Đại ca giang hồ mang án tử: Từ sinh viên thành tướng cướp

Google News

Cuộc sống quá khó khăn, Lắm “tàu” nhiều lần liều mình vượt biên mong đổi đời. Sau nhiều trận thư hùng “lấy số”, Lắm “tàu” thu gom đàn em, vượt biên, lập băng cướp Đông Dương khét tiếng.

Những ngã rẽ cuộc đời

Đến bây giờ, sau hơn nửa đời trả nợ pháp luật trong nhiều trại giam, cái tên của đại ca giang hồ Lắm “tàu” vẫn khiến nhiều người khiếp đảm. Những tiền án, tiền sự, quá khứ khét tiếng của ông khiến người nghe không khỏi bàng hoàng. Lý giải biệt danh từng một thời khuynh đảo chốn giang hồ, ông Lắm “tàu” cho biết: “Tôi có rất nhiều biệt danh cũng như tên giả vì tôi từng phạm nhiều tội. Tôi từng cầm đầu băng cướp ở Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, từng tham gia phản động nên có nhiều tên, bí danh, biệt danh. Tuy nhiên, biệt danh Lắm “tàu” là được  nhiều người biết hơn cả. Biệt danh này có được sau khi tôi trở về từ Trung Quốc, thoi thóp sống trong hoàn cảnh khó khăn rồi trở thành tướng cướp Đông Dương”.

Trở về nhà sau gần chục năm lưu lạc xứ người, ông Lắm “tàu” được sống trong tình yêu thương khôn xiết của gia đình. Bỏ lại tất cả những nỗi khổ cực từ nhiều năm phiêu dạt, Lắm “tàu” được gia đình cho đi học lại. “Khi ấy, gia đình tôi còn khá lắm. Bố tôi làm lính ngụy nhưng lại bí mật phục vụ cho cách mạng, ông nội tôi cũng rất khá giả nên sau khi trở về, nhà tôi cho tôi đi học lại. Phải nói, tôi học rất khá. Sau nhiều năm khổ cực, bây giờ tôi như được hưởng sự sung sướng, an nhàn khi chỉ việc đi học, ngoài ra không phải làm gì khác”, ông Lắm “tàu” cho biết. Tuy nhiên, giữa lúc, tưởng chừng cuộc sống đang đi đúng hướng, những tai ương bỗng dưng ập xuống gia đình ông. Mở đầu cho những tai ương mãi mãi thay đổi cuộc đời ông Lắm “tàu” từ một cậu sinh viên trường luật thành tướng cướp khét tiếng là cái chết bất ngờ của cha ông.

 Tướng cướp Lắm “tàu” vén một góc bí mật  thời ngang dọc, cướp bóc.

Theo lời ông Lắm “tàu”, năm 1969, trong một trận tổng tấn công của quân đội cách mạng, cha ông, ông Nguyễn Văn Nhan chưa kịp chứng minh vai trò điệp viên của mình đã bị trúng pháo chết. Cái chết của ông Nhan kéo theo sự suy sụp nhanh chóng của gia đình. Khởi đầu của sự khánh kiệt ấy bắt đầu bằng việc mẹ ông đi thêm bước nữa. Đau đớn hơn, bà rơi vào bẫy tình của người khác, rồi đem tiền, vàng bạc của gia đình theo nhân tình. Cái nghèo ập đến, thương em, ông Lắm “tàu” đem thân đi cày thuê, cuốc mướn để đổi gạo ăn.

Ông Lắm “tàu” nhớ lại: “Cha tôi mất, gia đình khánh kiệt, mẹ lại bỏ đi theo chồng khác, anh em chúng tôi đói quay quắt. Không còn cách nào khác, tôi phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Tôi nhớ, lúc đó tôi đi cấy thuê, cấy nhiều đến nỗi bây giờ tôi cấy còn dài, thẳng hơn các bà, các cô chuyên cấy lúa nữa. Những tưởng cày thuê cuốc muốn sống tạm qua ngày, ai ngờ, cuộc đời không cho mình lựa chọn. Năm 1973, khi đang là sinh viên năm 2 trường luật, tôi nhận được lệnh tổng động viên của ngụy. Không muốn cầm súng bắn đồng bào, tôi trốn xuống Cà Mau chặt bần, đước thuê kiếm sống nuôi em”.

Sau nhiều ngã rẽ, ông Lắm “tàu” lại phiêu dạt giữa rừng đước, bần của tỉnh Cà Mau kiếm sống bằng nghề chặt bần thuê. Hình ảnh đói khổ, nheo nhóc của các em, làm thuê tiền không đủ kiếm bữa ăn không lúc nào buông tha tâm trí ông Lắm “tàu”. “Nghĩ ở cũng chết, đi cũng chết thì thà đi để nuôi hy vọng”, ông Lắm “tàu” nảy sinh ý định vượt biên. Ông Lắm “tàu”nhớ lại: “Khổ quá, tôi nảy ra ý định vượt biên. Lúc đó, tàu nước ngoài chở người vượt biên chạy lũ lượt. Tôi cũng không xác định mình sẽ đi đâu, đến nước nào, làm gì để sinh sống mà chỉ biết là leo lên tàu để được đi. Nghĩ là làm, khi thấy tàu chạy ngang, tôi nhảy lên. Vì sợ mình khai báo nên chủ tàu cho đi. Ai ngờ, đi được ba ngày thì tàu bị bắt, tôi cũng bị công an bắt luôn. Đó là năm 1979 cũng là lần đầu tôi vượt biên bất thành”. Bị bắt giữ, ông Lắm “tàu” không phản kháng mà tỏ ra ngoan ngoãn, chấp hành mọi yêu cầu của bên công an.

Tướng cướp không mang họ

Sau lần bị bắt, ông Lắm “tàu” bị giam tại Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). Tuy nhiên, chính sự chấp hành, cải tạo tốt cùng sự trí thức của mình, ông Lắm “tàu” dần chiếm được cảm tình, sự tin tưởng của cán bộ trại giam. Sau hơn ba tháng bị bắt, ông Lắm “tàu” dần được lòng cán bộ trại giam. Mỗi lần lực lượng này đi lấy nước ngọt về sinh hoạt, ông Lắm “tàu” đều được tin tưởng đi theo để làm nhiệm vụ đổ nước. Nắm được sơ hở này, trong một lần đi lấy nước ngọt, ông Lắm “tàu” nhanh chân trốn thoát trở về. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, ông Lắm “tàu” lại tổ chức vượt biên sang Thái Lan và bị bắt giữ. Lần này, ông Lắm “tàu” bị giam ở lòng hồ Tây Ninh. Cũng như lần trước, ông Lắm “tàu” lại tinh quái trốn thoát và tiếp tục tìm cách vượt biên.

Sau nhiều lần vượt biên, bị bắt, tù tội rồi trốn thoát, ông Lắm “tàu” nhanh chóng gây ấn tượng mạnh trong giới giang hồ lúc bấy giờ. Đáng nói hơn, trong hành trình mưu sinh, ông Lắm “tàu” không ít lần thượng đài đấu võ kiếm sống. Trong các cuộc thượng đài vì miếng cơm manh áo, ông Lắm “tàu” chưa bao giờ để thua. Sự gan lỳ cùng phản xạ nhanh hòa quyện trong những ngón đòn đẹp mắt từ Thiếu Lâm chính phái khiến ông Lắm “tàu” được nhiều người săn đón. Biệt danh Lắm “tàu” nhanh chóng hình thành và “có tiếng” trong chốn giang hồ. Mang tiền án vượt biên, ông Lắm “tàu” không chút e dè luật pháp, tiếp tục sang Thái Lan sinh sống bằng nghề đấu võ đài mưu sinh. Cũng trong giai đoạn này, ông Lắm “tàu” được những phần tử phản động chú ý, lôi kéo vào tổ chức, huấn luyện trở thành sát thủ.

Trong khi tham gia tổ chức phản động do Lê Quốc Trí, Lê Quốc Quân cầm đầu, ông Lắm “tàu” tổ chức riêng cho mình băng cướp được trang bị hàng nóng, tìm cách cướp của người giàu liên quốc gia. Tướng cướp một thời khét tiếng nhớ lại: “Sau khi qua Thái, tôi được Lê Quốc Trí, Lê Quốc Quân móc nối đưa vào các hoạt động phản động. Tuy nhiên, tại đây, tôi cũng gặp những người Việt Nam sang không có việc làm nên có ý tổ chức đi cướp. Để dễ hoạt động, chúng tôi mua súng, giả mặc đồ lính, sĩ quan gọi là băng cướp Đông Dương. Thời đó không như bây giờ, chúng tôi cướp rất dễ có thể sáng cướp ở Campuchia, chiều đã chạy về Sài Gòn và ngược lại”. Suốt nhiều năm liền, băng cướp Đông Dương do ông Lắm “tàu” cầm đầu trở thành nỗi khiếp đảm của giới lắm tiền nhiều của. Mặc dù sẵn sàng xả súng, bắn giết để cướp nhưng băng cướp khét tiếng chỉ cướp của người giàu và không bao giờ “đụng” đến dân nghèo. Ông Lắm “tàu” cũng tự đặt tôn chỉ, chỉ bắn kẻ ác và đặc biệt không sát hại người Việt.

Ông Lắm “tàu” cho biết: “Lúc tiến hành cướp ở Thái Lan, Campuchia tôi tự đặt tên là Nu Mô Va Ly nắm trong tay hơn chục tên đàn em có súng. Bản thân tôi, lúc nào cũng có vài ba cây súng trong người. Thời buổi loạn ly, cướp bóc, việc tôi rút súng, nhả đạn, bắn chết người khi đi cướp, áp tải bọn mua ma túy là chuyện thường. Tôi nhớ lần đầu ra cướp là ở Campuchia. Tên nạn nhân tôi không còn nhớ, chỉ nhớ nó là một thằng Pôn Pốt. Ban ngày, tên này cai quản cả một phun sóc (làng –PV), ban đêm nó hiện nguyên hình là một tên Pôn Pốt giết người không gớm tay. Do vậy nhà nó rất nhiều tiền, vàng, bạc. Tôi đã nhắm sẽ cướp tiền, vàng của nó. Đáng nói hơn, chính thằng này cũng giết hại Đỗ Hùng, thằng đàn em của tôi khi nó trà trộn vào phun sóc này tìm hiểu, theo dõi nhà “con mồi”. Sau khi chuẩn bị kỹ, trong đêm, tôi xách súng cùng đám đàn em bí mật ập vào, khống chế tên này, lên đạn, nhắm đầu bóp cò. Lần ra tay đầu tiên, tôi cướp được 9kg vàng. Cướp xong, tôi trở về Việt Nam, bán vàng chia chác nhau ăn xài, gái gú”.


Theo Hà Ngọc/Congly

>> xem thêm

Bình luận(0)