Đại biểu Quốc hội: Công chức bình thường, 130 năm mới mua được nhà

Google News

Theo các đại biểu, những nhóm vấn đề trong phiên chất vấn đều “nóng”, trong đó đại biểu quan tâm tới công chức bỏ việc hàng loạt, việc "làm giá" bất động sản, còn cao...

Nhiều vấn đề nóng, hứa hẹn phiên chất vấn sôi động
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về các phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, việc lựa chọn 4 bộ trưởng để trả lời chất vấn kỳ này là sự lựa chọn rất hay, thú vị. Thực ra, lĩnh vực nào cũng đều nóng cả, nhưng 4 vị trưởng ngành lần này là những người ít xuất hiện trên Quốc hội.
Dai bieu Quoc hoi: Cong chuc binh thuong, 130 nam moi mua duoc nha
 Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên).
Theo đại biểu Nghĩa, trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cử tri, đại biểu đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, trong đó có câu chuyện cán bộ trong những ngành này xin thôi việc. Với sự tham gia trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, câu chuyện này chắc chắn sẽ có lời giải đáp.
Hay những vấn đề tài chính, chứng khoán, phần giải trình của Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ vai trò của ngành này ở đâu; nói về bất động sản, phát triển kinh tế không thể không nhắc tới Bộ Xây dựng với vai trò quy hoạch tổng thể....
“Tôi cho rằng, kỳ này sẽ hứa hẹn một phiên chất vấn sôi động. Và các bộ trưởng, trưởng ngành chắc chắn sẽ phải đối diện với những câu hỏi thẳng thắn của đại biểu trên tinh thần đổi mới của Quốc hội”, đại biểu đoàn Phú Yên chia sẻ.
Ông Nghĩa cho biết, sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề công chức, viên chức bỏ việc, nghỉ việc nói lên điều gì và trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Chính phủ đến đâu trong việc đặc biệt trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khối Nhà nước.
“Bởi nhân lực là trụ cột, câu chuyện công chức nghỉ việc không thể nói một cách đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch. Hay chỉ đơn giản là thống kê số lượng chuyển đi là bao nhiêu, tuyển vào bao nhiêu để thay thế... Mà cần phân tích rõ cơ cấu, tính chất của câu chuyện đó, vì sao họ phải rời đi… Rồi trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc hỗ trợ những lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục để củng cố đội ngũ cán bộ sẽ chăm sóc tương lai và sức khỏe của đất nước, nhân dân”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.
Cần làm rõ việc “làm giá” trong bất động sản
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, 4 nội dung để chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành đều “nóng”, được cử tri quan tâm.
Dai bieu Quoc hoi: Cong chuc binh thuong, 130 nam moi mua duoc nha-Hinh-2
 Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Tuy nhiên, ông An đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực xây dựng. Theo ông An, có hai vấn đề ngành xây dựng cần quan tâm, đó là thị trường bất động sản và nhà xã hội cho công nhân.
Là đại biểu Đồng Nai, ông An cố gắng tìm hiểu cơ chế nhà ở xã hội cho công nhân thế nào, đặc biệt với lộ trình chúng ta xây 2 triệu căn nhà cho công nhân. Đây là điều mà các đại biểu cũng như cá nhân ông rất quan tâm.
Liên quan tới thị trường bất động sản, trong các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, và không chỉ kỳ này mà kỳ trước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã có giải đáp, làm rõ.
Tuy nhiên, ông An cho rằng, thị trường bất động sản đang có biểu hiện cố gắng kiểm soát nhưng chưa được, và chưa có biện pháp điều tiết thị trường này một cách bài bản.
“Chúng ta đã phải chứng kiến thị trường bất động sản ở trong tình trạng cứ hết nóng lại lạnh. Và bất động sản đang ở trong sự bất cập so với thu nhập và so với mặt bằng xã hội. Nếu một công chức bình thường, phải mất 120 – 130 năm mới mua được một căn nhà. Đó là điều hết sức vô lý.
So sánh với các quốc gia khác không phải là không có “sốt” bất động sản. Nhưng cái sốt của họ phản ánh đúng với diễn biến nền kinh tế. Còn ở ta có những cái rất "ngược", đó là thu nhập thấp nhưng giá nhà cao. Và có hiện tượng bị một vài doanh nghiệp có sức ảnh hưởng rất lớn tới thị trường “làm giá”, ông Nam nói.
Ông Nam cho hay, chúng ta đã xử lý tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán về làm giá, thao túng giá, nhưng trong bất động sản, hiện tượng này còn lớn hơn nhiều. Bởi giá trị bất động sản cao hơn rất nhiều.
Giá của bất động sản hiện nay không phản ánh đúng thực tế, bất hợp lý khiến người dân bình thường không thể tiệm cận được. Vậy cái cấu thành lên giá đó là gì? Điều này, cơ quản quản lý nhà nước, đặc biệt như ngành xây dựng phải nắm, điều tiết được.
Chúng ta thực hiện quản lý trên cơ sở không can thiệp hoạt động doanh nghiệp, nhưng phải xác định các biện pháp, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp có đúng theo quy định trong việc định giá, xác định phân khúc hay không?
“Để người dân tiếp cận được nhu cầu nhà ở cần có sự “siết” hơn nữa trong công tác quản lý. Chúng ta không can thiệp, nhưng phải để thị trường đi đúng với quỹ đạo của nó”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 03-05/11. Theo đó, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói về sự vô lý của giá nhà đất khiến công chức bình thường phải mất cả trăm năm mới mua được nhà. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)