Chiều 22/6, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về luật Căn cước công dân sửa đổi. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, góp ý, đó là về đề xuất đổi tên luật Căn cước công dân hiện hành thành luật Căn cước, và đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Không đồng tình đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước
Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc sử dụng thẻ với tên gọi căn cước công dân không có gì bất cập.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). |
"Tên gọi cũ không biết có khó khăn, bất cập gì không mà lại thay đổi tên?”, ông Hòa đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ có giải trình thêm cho rõ, mang tính thuyết phục cao hơn.
Ông Hòa không đồng tình việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, Và một trong những lý do cần cân nhắc, đó là người dân sẽ phải nộp phí.
Giơ biển tranh luận với nhiều đại biểu về tên gọi của Luật “căn cước công dân” hay “căn cước”, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nói, hiện vẫn đang bàn sửa đổi dự thảo Luật Căn cước công dân, chưa có chữ nào là Luật Căn cước.
"Nay mai Quốc hội thông qua luật thì mới là thẻ căn cước", ông Phàn cho biết và nhấn mạnh không thể thay đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Cũng theo ông Trần Công Phàn, cơ quan soạn thảo nêu có con số 31.000 người gốc Việt Nam đang sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch.
Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, chúng ta cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam. 31.000 người này chúng ta phải quản lý, nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt, bởi họ chưa phải là công dân Việt Nam.
Vì 31.000 người ấy mà để hơn 81 triệu người chung một thẻ, đánh đồng nhau là không được.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) bày tỏ đồng ý với lập luận của đại biểu Trần Công Phàn. Theo ông, từ “công dân” đã chỉ đích danh con người, còn dùng từ căn cước không chỉ đích danh con người được. Bởi, hiện cả cây trồng, vật nuôi cũng dẫn tới truy xuất nguồn gốc, định danh cho từng loại cây, con vật.
Cần thống nhất cách khai quê quán cho hợp lý
Góp ý tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề về việc ghi quê quán trên thẻ căn cước công dân.
Ông Trí nêu tình huống, trong trường hợp ghi quê quán theo quê bố, nhưng bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào. Nhiều người sẽ lúng túng lúc khai báo ở mục quê quán khi làm thủ tục hành chính.
|
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). |
Từ đó,, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, trong hồ sơ cơ sở dữ liệu quốc gia cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán. Vì 4 mục này có thể giống nhau nhưng không phải một.
Lúc ông còn nhỏ, các mục này đều có nhưng dần dần lại bị rút gọn. Ông cho rằng, việc rút gọn này rất không nên
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng góp ý về việc ảnh in trên thẻ căn cước công dân không được đẹp. Ông đề nghị cần ảnh được chụp “đúng và đẹp” hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị không nên bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước. Bởi thông tin này là một cách để nhận diện lai lịch của công dân.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.