Đại biểu lo ngại độc quyền đẩy giá điện tăng cao

Google News

Đại biểu lo ngại những quy định cho phép độc quyền điện, thắt chặt kiểm soát nguồn điện trong dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay.

Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
EVN tăng giá điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước
Đề cập đến vấn đề độc quyền của ngành điện lực, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) dẫn điểm c khoản 2 Điều 5 dự thảo luật quy định "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".
Dai bieu lo ngai doc quyen day gia dien tang cao
 Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). 
Quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với khoản 5 Điều 5 dự thảo luật, xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác dịch vụ, cơ sở vật chất có hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực; phương án phát triển mạng lưới cấp điện; kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; hoạt động phát triển, phân phối điện, bán buôn, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, hiện nay có khoảng 95% lưới điện quốc gia do Nhà nước đầu tư thì khó có thể thực hiện xã hội hóa như khoản 5 Điều 5 dự thảo luật mong muốn. Đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c khoản 2 Điều 5 như sau "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp".
“Hiện nay đang thiếu điện, nhưng EVN vẫn cắt giảm sản lượng điện của các dự án điện mặt trời, áp mái quy mô nhỏ đã ký kết với nhà đầu tư. Hợp đồng ký kết 20 năm, nhưng trong điều khoản không có điều khoản cắt giảm, trong khi EVN tăng giá điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và khuyến khích theo Quyết định số 13 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn nhiều quy định thể hiện sự độc quyền của ngành điện. Ví dụ tại điểm b khoản 4 Điều 33 dự thảo luật quy định "Trước khi đầu tư nguồn điện tại khoản 1 điều này, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư và giá bán điện dư.
Theo quy định của pháp luật, đơn vị mua điện căn cứ nhu cầu và điều kiện vận hành của hệ thống điện để quyết định việc huy động sản lượng điện dư" hoặc tại điểm c khoản 4 Điều 33 dự thảo luật quy định "bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm, nếu bên bán điện lựa chọn phát sinh sản lượng điện dư".
“Theo tôi, giữa doanh nghiệp điện lực phải hợp tác bình đẳng, nên tôi đề nghị bỏ cụm từ "có trách nhiệm và chịu trách nhiệm" trong dự thảo. Nhu cầu về điện ngày càng tăng, nhưng dự thảo thắt chặt kiểm soát nguồn điện như quy định tại Điều 47 dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng”, đại biểu Thanh nói.
Không thể chấp nhận việc bù chéo trong giá điện
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị làm rõ và bổ sung quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện hai thành phần và có lộ trình rõ ràng về xóa bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Dai bieu lo ngai doc quyen day gia dien tang cao-Hinh-2
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: QH.
Đồng thời có lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường và khuyết khích tiết kiệm điện sản xuất.
Ông đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần là công suất và sản lượng, để rõ ràng minh bạch và chấm dứt việc bù chéo, không thể để khách hàng này thu giá cao để bù cho khách hàng khác thu giá thấp.
Nếu cứ bù giá, sẽ không khuyến khích tiết kiệm sử dụng, không bình đẳng với nhau, mà phải áp dụng theo giá thị trường. Còn các chính sách ưu đãi thì Nhà nước bù đắp. Không thể để ngành điện báo lỗ hằng năm do phải bù chênh lệch giá, mua cao phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp.
“Giá điện không được bù chéo, phải sòng phẳng. Vấn đề này phải có lộ trình cho cụ thể thời gian nào không còn bù chéo nữa, tất nhiên không phải làm ngay, phải ban hành nghị định hay thông tư cho cụ thể”, ông Hòa nói.
Đề cập về cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào các khung giờ thấp điểm; đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn  Đắk Nông) nêu quan điểm: Nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Giải trình, làm rõ một số nội dung của các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực là cần thiết.
Đề cập về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, Chính phủ đã có khung giá điện theo quy định của Luật Điện lực và Luật Giá. Dựa vào khung giá đó, các bên có thể đàm phán với nhau để thực hiện.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)