Theo đó, ông Ngô Trí Đức - nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín bị bắt về hai tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra, liên quan đến vụ án, Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố hai bị can Lâm Kim Dũng (SN 1955, nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang) và Nguyễn Kim Thanh (SN 1977, nguyên Phó phòng đầu tư TrustBank) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
|
Một chi nhánh của Ngân hàng Đại Tín - TrustBank. Ảnh internet. |
Vậy nguyên nhân nào khiến ông Ngô Trí Đức bị khởi tố?
Tại phiên tòa xét xử Hứa Thị Phấn và đồng phạm thao túng rút ruột khoảng 12.000 tỷ đồng của Trustbank vào tháng 5/2018 ông Đức khai: Năm 2009, được một người quen giới thiệu đến gặp bà Phấn, sau đó về Trustbank làm giám đốc chi nhánh Sài Gòn. Sau mới được bổ nhiệm lên làm Phó tổng giám đốc Trustbank.
Điều đáng nói tại chi nhánh Sài Gòn mà ông Đức làm giám đốc, chính là nơi đã lập hàng trăm chứng từ thu khống, chi khống cấn trừ, sau đó đẩy sang cho doanh nghiệp gánh nợ nhằm chiếm đoạt tiền Trustbank.
Cựu trưởng phòng kế toán Trustbank chi nhánh Sài Gòn thừa nhận đã lập và ký phê duyệt 135 chứng từ thu khống với số tiền 3.486 tỷ để bà Phấn sử dụng trái pháp luật. Bao gồm 55 phiếu thu khống 1.486 tỷ đồng và 80 giấy nộp tiền khống 2.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Trustbank 3.486 tỷ đồng.
Không những thế, cũng tại chi nhánh này bà Ngô Thị Ngân, cựu thủ quỹ của chi nhánh Sài Gòn, kiêm thủ quỹ của Trustbank đã thực hiện nhiều lệnh rút tiền mặt từ NH Nhà nước nhưng đã không đem tiền về nộp ở kho quỹ của chi nhánh theo Lệnh điều chuyển vốn mà lại đem tiền đến phòng làm việc của bị can Phấn (không phải trụ sở Trustbank) tại tầng 6 tòa nhà Lam Giang, 167 - 173 Trần Hưng Đạo, Q.1. Bà Ngân khai sở dĩ hành động như vậy là làm theo chỉ đạo của ông Đức, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn.
Tuy nhiên, trong phần đối chất tại phiên tòa này, ông Đức phủ nhận lời khai của thuộc cấp và khẳng định mình không hề chỉ đạo. Thậm chí, ông Đức cho rằng, toàn bộ quá trình làm chứng từ thu khống, chi khống để cấn trừ… ông đều không hay biết. “Vì nghiệp vụ kế toán tôi không nắm rõ, nên khi về làm giám đốc Trustbank chi nhánh Sài Gòn tôi đã làm đề xuất phân quyền cho Phó giám đốc phụ trách kế toán quyết định".
Tại vụ án này, ông Đức bị TAND TP.HCM tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trước đó, trong đại án Phạm Công Danh, ông Đức bị cáo buộc cùng các đồng phạm giúp sức gây thiệt hại 471 tỷ đồng khi đã ký duyệt hồ sơ cho hai công ty “ma” của ông Danh vay trong thời gian thần tốc.
Cụ thể, đó là Công ty Thịnh Quốc và Công ty Đại Hoàng Phương chỉ vừa được ông Danh thành lập. TAND TP cũng đã tuyên ông Đức chịu 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Như vậy, ông Đức đang phải chịu 2 bản án tù nhưng được hưởng án treo và sắp tới sẽ phải đối mặt với một phiên tòa mới.