Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, ngày 13/3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Tuấn, cựu Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) 34 tháng tù cải tạo không giam giữ. Bị cáo được khấu trừ 324 ngày tạm giam (25/4/2019 - 13/3/2020), phải chấp hành 1 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ và được trả tự do tại tòa.
Nói về vấn đề cựu Chánh án Bộ TT&TT được trả tự do tại tòa: Trường hợp nào thì được áp dụng? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo bản án của TAND tỉnh Phú Thọ thì bị cáo Đặng Anh Tuấn phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự” Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
HĐXX cũng cho rằng, trước khi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự nên không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Trong quá trình công tác, bị cáo có thành tích xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TT&TT tặng nhiều bằng khen. Bố đẻ của bị cáo là người có công với Nhà nước, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương trong kháng chiến và trong công tác…
|
Bị cáo Đặng Anh Tuấn được trả tự do tại tòa.
|
Bởi vậy, TAND tỉnh Phú Thọ đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Tuấn phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tuyên phạt bị cáo 34 tháng cải tạo không giam giữ và cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ.
Với loại hình phạt và mức hình phạt như vậy Bị cáo được khấu trừ 324 ngày tạm giam (25/4/2019 - 13/3/2020), phải chấp hành 1 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ và được trả tự do tại tòa. Như vậy ông Đặng Anh Tuấn bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ kết tội về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định tại điều 356 bộ luật hình sự năm 2015 thì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có hai loại hình phạt là cải tạo không gian giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ một năm đến 15 năm.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, tùy thuộc vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự thì tòa án có thể áp dụng lựa chọn hình phạt là cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù đối với từng bị can, bị cáo trong từng vụ án cụ thể.
Theo quy định tại điều 36 Bộ luật hình sự: Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong 1 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
Như vậy, hội đồng xét xử cho rằng mức hình phạt đối với bị cáo Đặng Anh Tuấn không quá 3 năm, đồng thời xác định không cần phải cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội cũng đủ sức để răn đe nên đã căn cứ vào điều 36 bộ luật hình sự và khoản 1, điều 356 Bộ luật hình sự để xử phạt với bị cáo Đặng Anh Tuấn 34 tháng cải tạo không giam giữ.
Đây là phán quyết của bạn án sơ thẩm nên chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu hết thời gian kháng cáo hoặc kháng nghị mà không có ai kháng cáo, kháng nghị về loại hình phạt, mức hình phạt này thì bị cáo phải chấp hành phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm. Nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị đề nghị xem xét lại mức và loại hình phạt đây thì tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.
>>> Xem thêm video: Cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT được trả tự do tại tòa