“Kéo vợ” chứ không phải “bắt vợ”
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước một số clip quay lại cảnh nhóm thanh niên “bắt vợ”. Theo clip này, cô gái đang đứng đón xe ở địa bàn xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Một nhóm thanh niên đã ép buộc, bắt cô gái đưa lên xe máy mặc cho cô gái khóc lóc và chống trả quyết liệt.
Trước đó, một clip khác quay cảnh một cô gái ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang đang đứng bên đường thì một nhóm thanh niên đến trò chuyện. Sau đó, nhóm thanh niên bắt cô gái lên xe để về làm vợ của một người trong nhóm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, truyền thống của người Mông dùng từ "kéo vợ" chứ không phải "bắt vợ"; nhằm tránh tình trạng thách cưới và cưỡng ép hôn nhân. Trước đây, người Mông thách cưới cao khiến nhiều thanh niên nghèo không thể lấy được vợ.
|
“Kéo vợ” là tục lệ truyền thống mang giá trị nhân văn. Ảnh: Xuân Trường/TTXVN |
Việc “kéo vợ” thường có sự thỏa thuận trước, diễn ra giữa hai người yêu nhau. Khi đã được kéo về nhà, họ sẽ sắp xếp cho chị hoặc em gái chú rể làm bạn với cô dâu để quen dần cuộc sống nhà chồng rồi sau đó mới tổ chức cưới xin, chứ không phải bắt ép về rồi muốn làm gì thì làm. Như vậy, về bản chất, “kéo vợ” là tục lệ truyền thống mang giá trị nhân văn.
Tuy nhiên, trong các clip “bắt vợ” cho thấy tục lệ này đang bị biến tướng khi nhiều em gái còn rất trẻ, đang ở tuổi đi học đã bị kéo đi. Việc lợi dụng, làm biến tướng phong tục trong xã hội hiện đại đã làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, quyền và khát vọng của các cô gái trong vấn đề bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân; góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường phải từ bỏ tương lai. Khả năng phản kháng của các em gái, thiếu nữ hầu hết yếu ớt; còn chính quyền rất khó xử lý bởi đây được coi là nét văn hóa của dân tộc.
Cần xử lý nghiêm
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của nhóm thanh niên trong các clip đã vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu nhiều tội danh.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, hành vi của nhóm thanh niên bị coi là tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999, nhóm thanh niên này có thể phải chịu hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm. Đối với những người tham gia lôi kéo, “bắt vợ” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.
Bên cạnh đó, Luật hôn nhân gia đình đã quy định rõ những điều kiện để nam nữ kết hôn, theo đó những hành vi trái với quy định như cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lý nghiêm. Điều 146 Bộ luật hình sự quy định nghiêm cấm việc cưỡng ép kết hôn, kể cả khi đối phương đã đồng ý nhưng chưa muốn kết hôn ngay nhưng vẫn ép buộc thì đó là phạm pháp.
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, dù pháp luật đã có quy định về việc cấm cưỡng ép kết hôn nhưng thực tế vẫn tồn tại vì đây là tục lệ lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức, đời sống người dân. Ngoài ra, nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế nên vẫn để việc bắt vợ tồn tại.
Để giải quyết tình trạng này, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, cần đẩy mạnh phổ biến, giáo dục phong tục này để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng phong tục tốt đẹp, không bị biến tướng, lợi dụng. Bên cạnh đó, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật hình sự về tội phạm bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật để mọi người dân hiểu, tránh đi vào con đường phạm tội và ngăn chặn người khác có hành vi phạm tội này; khuyến khích và tạo điều kiện cho nạn nhân tự bảo vệ mình và tố giác tội phạm. Người bị hại và người biết vụ việc cần mạnh dạn trình báo, tố giác với cơ quan chức năng để tránh bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung, quy định các mức chế tài nghiêm khắc, hình phạt nặng hơn đối với những người tổ chức tục bắt người trái phép về làm vợ, tảo hôn.