Tình trạng trai, gái tảo hôn đã không còn là chuyện lạ ở đất Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Một số em gái bỏ học, theo chồng hoặc là nạn nhân của hủ tục cướp gái giữa đường. Có không ít trường hợp đã dám phá bỏ hủ tục, đến nhà “chú rể” đòi “cô dâu” về, không cho cưới. Đó là nét khởi sắc của vùng đất còn đầy rẫy hủ tục.
Tình trạng bắt vợ của các chàng trai người Mông ở cao nguyên Mộc Châu vẫn diễn ra. Họ ra đường hay đi hội, thấy cô gái nào đó mà mình ưng cái bụng là họ đưa lên xe chở về nhà. Sau đó, chàng trai sẽ đến báo cho nhà cô gái kia biết là đã bắt được cô dâu rồi. Nếu gia đình đồng ý sẽ tổ chức cưới. Cái hủ tục này đã khiến bao cô gái rơi vào tình trạng bị “ép” cưới.
|
Nhiều cô gái tại Sơn La bị rơi vào cảnh bắt vợ hủ tục, |
Tuy nhiên, những năm gần đây, gia đình và cả bản thân các cô gái đã phản kháng mạnh mẽ, đứng lên chống lại hủ tục.
Đòi dâu về nhà
Ngôi nhà của chị Giàng Thị Mý (SN 1980) ở bản Co Chàm nằm thấp thoáng dưới tán vườn đào. 3 mẹ con nhà chị Mý, mỗi người, mỗi việc, chị giặt quần áo, còn người con dâu và con gái đi chở mía từ trên nương về. Không khí lao động thật khẩn trương, ai cũng hồ hổi và vui tươi.
Chị Mý kể, cháu Tếnh Thị Súa (SN 2002) con gái út của chị đi chơi Tết đến trưa mà không thấy về. Chị cảm lấy nóng lòng bảo mọi người đi tìm, nhưng không thấy. Chị gọi điện cho con không được.
Sau cả ngày mòn mỏi tìm con không thấy, chị và gia đình đang đứng ngồi không yên có một chàng trai người Mông trẻ măng tên là Sồng A Thành ở bản Pa Háng, xã Hang Kia (Mai Châu – Hòa Bình) đến “báo cáo” là anh ta đã “bắt” được Súa về nhà làm dâu. Cậu ta đến nhà chị Mý để xin phép gia đình cho cậu ta được cưới Súa làm vợ.
Cả nhà chị Mý không ai đồng ý. Gia đình chị Mý vội vàng lên nhà Thành “cướp” lại con gái của mình. Súa đang bị nhốt trong phòng, khóc sưng cả mắt. Vừa gặp mẹ, Súa vội ôm chầm lấy mẹ và bảo: “Mẹ ơi! Con không muốn lấy chồng đâu, con muốn đi học”. May mà gia đình chị Mý giải cứu con gái kịp thời, không giờ thì Súa đã làm dâu nhà người rồi.
|
Ban tư pháp xã Lóng Luông chỉ cấp giấy đăng ký kết hôn cho những trường hợp đủ tuổi . |
Súa năm nay mới tròn 15 tuổi, Súa đang học lớp 9 trường THCS Lóng Luông. Nhắc lại chuyện bị Thành bắt cóc, Súa vẫn còn sợ. Súa bảo: “Súa còn trẻ lắm! Súa muốn đi học. Súa không để người ta ép làm dâu đâu”.
Giờ được mẹ vỗ về, an ủi, Súa mới lấy lại được bình tĩnh. Chị Mý bảo: “Ngày trước tôi bị “bắt” về làm dâu chịu khổ nhiều lắm rồi. Giờ tôi muốn để con gái đủ tuổi mới cho lấy chồng. Tôi cũng không ép con gái phải lấy ai, nó thích ai thì nó chọn”.
Đến nhà trai đòi lại con gái như nhà chị Mý là một hành động dũng cảm ở đất này. Việc này không phải ai cũng dám làm vì nhiều người Mông nơi này cho rằng, đã “bắt” được con gái về nhà là nó phải làm ma của gia đình đó. Gia đình bố mẹ của các cô gái nhiều khi bị “vướng” vào cái hủ tục đó cũng “tặc lưỡi” để cho con gái mình phải làm dâu nhà người mà bản thân cô gái không muốn.
Ở xã Lóng Luông còn có một cô gái khác cũng vừa được “giải cứu” khi bị chàng trai lạ “cưỡng ép” cô gái lên xe máy về nhà làm dâu. Đó là cháu Giàng Thị Mái (SN 2001) con của chị Sồng Y Chư bản Co Lóng.
Buổi tối đầu năm, cả nhà chị Chư đang ngồi quây quần bên bếp lửa, nghe tiếng kêu thất thanh của con gái. Cả nhà vội chạy ra cửa nhà xem chuyện gì thì con gái đã bị 2 chàng trai người Mông bắt lên xe máy. Gia đình chị Y đã cho người đuổi theo và đòi lại con gái. Nhờ sự can thiệp kịp thời của gia đình mà Mái không phải về làm dâu nhà người.
Quy ước chống tảo hôn
Người Mông thường cho con cái kết hôn sớm. Cái lệ này đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con từ nhiều năm nay. Ai cũng coi chuyện đó là thường, chứ không có gì bất thường, mặc dù theo quy định của pháp luật con cái của họ chưa đủ tuổi lấy nhau.
Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cũng là người dân tộc Mông. Bao năm sống ở nơi sơn cước này, ông hiểu rất rõ tâm lý của bà con nhân dân. Nói về tình trạng tảo hôn, ông Chìa không giấu giếm: Năm 2015 xã Lóng Luông có 35 trường hợp, 3 tháng đầu năm 2016 đã có 20 trường hợp trai gái lấy nhau chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn.
Năm nào cũng vậy, hoa đào, hoa mận nở là thời điểm trai, gái người Mông tổ chức cưới nhiều nhất. “Chỉ có gia đình đồng ý thôi, chứ xã luôn phản đối chuyện kết hôn chưa đủ tuổi của các đôi trai gái. Chúng tôi cũng vừa yêu cầu triệu tập 5 đôi trai gái kết hôn chưa đủ tuổi lên xã để xử phạt hành chính”, ông Chìa cho biết.
Qua quan sát của ông Chìa, chuyện tảo hôn xảy ra chủ yếu ở 4 bản: Lũng Xá, Tà Dê, Lóng Luông và Co Tang. Đây là nơi cư trú của người Mông đỏ. Suốt những năm qua, xã liên tục vận động, xử phạt hành chính, không cho đăng ký kết hôn, thậm chí “dọa” lập hồ sơ gửi cơ quan công an để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, nhưng thực tế tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra.
Trước đó, 4 xã có đông người Mông sống gần nhau gồm Lóng Luông, Vân Hồ (Vân Hồ - Sơn La) và xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu – Hòa Bình) đã cùng ký quy ước ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng của chính quyền 4 xã vẫn còn nằm trên giấy. Thực tế là các đôi trai gái vẫn bất chấp luật lệ.
“Các biện pháp tuyên truyền không làm thay đổi được quan niệm của bà con. Sắp tới chúng tôi sẽ làm mạnh hơn, sẽ xử lý cương quyết những đối tượng nam giới, cố tình quan hệ tình dục với trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên. Nếu làm được việc này, chắc chắn nạn tảo hôn sẽ được ngăn chặn”, ông Chìa cho biết thêm.
Các đôi trai gái người Mông về ở với nhau là sinh con đẻ cái. Có những cô gái mới 15 tuổi đã sinh con. Cả bố và mẹ chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn, nên đến khi con của họ đủ tuổi đi học, họ mới cùng nhau rồng rắn ra UBND xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con.