Cuối đời bi thảm của gái bán hoa miền Tây

Google News

Quê ở miền Tây, nhà nghèo, thất học nên L sớm sa chân vào con đường buôn phấn bán hoa. Đến lúc căn bệnh HIV chuyển sang giai đoạn cuối, cô ra đi lạnh lẽo nơi đất khách quê người.

Khác hẳn không khí tấp nập, đông đúc như ở nhiều bệnh viện khác, bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội) rất vắng vẻ. 10 giờ sáng, số lượng bệnh nhân đến thăm khám chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phòng trực bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng.
Đây là bệnh viện chuyên điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tiếp phóng viên trong phòng trực của khoa hồi sức cấp cứu, BS Vũ Tiến Thọ (SN 1980) chia sẻ, anh về bệnh viện 09 công tác từ năm 2006.
Nỗi ám ảnh đối với những người công tác ở bệnh viện 09 như bác sĩ Vũ Tiến Thọ là cái chết lạnh lẽo, cô độc của bệnh nhân. Ảnh: Lê Anh Dũng.
12 năm qua, anh đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp trẻ vội dứt áo ra đi sau vài tháng làm việc vì không chịu nổi những áp lực, nguy hiểm thường trực và cả sự kỳ thị.
Thế nhưng theo bác sĩ Thọ, điều anh thấy xót xa là những cái chết cô độc của bệnh nhân.
Anh cho hay, 70% bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện 09 xuất thân từ các trung tâm cai nghiện ma túy, các trung tâm bảo trợ xã hội và phụ nữ hành nghề mại dâm.
Phần lớn họ đều bị gia đình chối bỏ, ruồng rẫy. Nhiều người nằm điều trị nội trú ở bệnh viện tới vài năm nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người thân thăm hỏi. Khi ra đi, bên cạnh họ cũng chỉ có các cán bộ y tế.
Những đám tang lạnh lẽo, cô quạnh, ánh mắt trăng trối của bệnh nhân trước lúc lâm chung đều để lại trong lòng vị bác sĩ nhiều ám ảnh.
Bệnh nhân AIDS thường bị lao rất nặng, do vậy các nhân viên y tế thường xuyên bị phơi nhiễm lao. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Bác sĩ Thọ kể, cách đây nhiều ngày, anh tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 20 tuổi tên Nguyễn Thị L. Cô được bà chủ phòng trọ nơi mình thuê đưa đến. Theo thông tin người phụ nữ đó cung cấp, L ốm liệt giường đã một tháng nay.
Bà chủ nhà trọ kể, L cô quê miền Tây. Những người bạn trọ cùng kể với bà chủ, nhà L nghèo. Nghỉ học từ nhỏ, L sa chân vào con đường làm gái bán hoa từ năm 16 tuổi. Cô trôi dạt ra miền Bắc hành nghề.
Trong một vài lần đi bán dâm, L không dùng bao cao su nên lây nhiễm HIV từ khách. Phát hiện mình mắc bệnh, thuốc kháng thể virus ARV, L cũng từ chối uống.
Hồi đầu mới mắc bệnh, L vẫn trẻ trung, khỏe mạnh, cô mặc sức đi khách. Thời điểm bệnh vào giai đoạn cuối, cơ thể cô ngày càng suy sụp với những vết lở loét trên người. L đi khách buổi tối để tránh bị lộ. Đến lúc sức lực kiệt quệ, L nằm bẹp một chỗ, không thể đi làm được nữa.
Khi cô bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê, mấy người bạn rối rít gọi bà chủ nhà đưa vào viện. Tại đây, các bác sĩ cố liên hệ, thông báo cho gia đình L biết tình hình con gái.
Họ hẹn sẽ ra nhưng rồi mãi bặt vô âm tín. Các bác sĩ gọi nhiều lần vào số điện thoại đó đều thấy tắt máy. Ngày cuối cùng trước khi ra đi, trong cơn mê sảng, L lúc nào cũng mấp máy môi gọi mẹ…
Nơi phục vụ bữa cơm cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Một trường hợp gái bán hoa khác từng ra đi trong cô quạnh khiến bác sĩ Thọ xót xa. Đó là người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Chị bị ngất xỉu ngoài đường, được người dân gọi xe cấp cứu 115 đưa vào.
Khi nhập viện, thân hình chị còn da bọc xương, cơ thể bốc mùi hôi do lâu ngày không được vệ sinh. Trừ những vị trí xăm hình, da chị bị chốc lở nhiều. Được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe chị ổn định hơn, có thể tỉnh táo nói chuyện. Người phụ nữ này cho biết mình làm nghề tự do, vô gia cư.
Nhưng sau đó, chị mới kể thật mình từng là gái mại dâm, lang bạt khắp nơi. Khi nhỡ mang thai, vào viện sinh con chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Biết bản thân không có khả năng nuôi con, chị bỏ lại đứa trẻ ở bệnh viện rồi trốn đi.
Vài năm sau, bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, chị đành đi ăn xin. Đến đâu người ta cũng đuổi đánh, tránh xa. Những ngày cuối đời, chị day dứt nhớ về đứa con mình mang nặng đẻ đau nhưng chưa một lần chăm bẵm.
“Đến lúc mất, bệnh nhân đó đau đớn kêu rên, không nhắm được mắt rồi ra đi”, bác sĩ Thọ nhớ lại.
Theo Hải Phong - Minh Anh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)