Anh bị lạc gia đình từ lúc mới 2 tuổi. Hơn 40 năm, 2 bố con anh miệt mài đi tìm nhau mà vẫn không thể nào gặp được dù chỉ ở cách nhau vài chục cây số. Và thật tình cờ sau giấc mơ kỳ lạ được người mẹ quá cố báo mộng, hai cha con bất ngờ tìm lại nhau trong niềm hạnh phúc tột cùng.
Hằng ngày, anh Trần Ngọc Châu (xã Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam) vẫn đi làm phụ hồ ở gần nhà đến tận trưa mới về. Vợ anh buôn bán trong thành phố Hội An, cậu con trai duy nhất thì đi làm may ở công ty trên thành phố Tam Kỳ. Phải đợi đến tận trưa tôi mới tranh thủ gặp được anh.
Anh cười hiền lành, nhân hậu như chính cái tên của anh vậy. Câu chuyện 2 bố con anh tìm được nhau sau 40 năm thất lạc dù đã xảy ra cách đây mấy năm rồi, nhưng với những người dân của thôn 3, xã Cẩm Kim, thì nó vẫn như một kì tích và là một cái kết có hậu cho cuộc hành trình tìm nhau đầy gian khó của anh Châu và bố.
Ký ức hồi bé anh Châu chẳng nhớ được gì bởi khi anh bị lạc gia đình, anh mới hơn 2 tuổi. Sau này gặp lại bố, anh mới biết, những năm 1960, mảnh đất Phú Ninh, Quảng Nam, quê hương anh bị địch bắn phá ác liệt. Bố mẹ anh đều tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, nhưng không may, trận càn năm 1967 đã cướp đi sinh mạng của mẹ anh.
Bốn đứa trẻ mồ côi mẹ (đứa nhỏ nhất mới chỉ được 5 tháng) dắt díu sống nương tựa vào sự giúp đỡ của bộ đội, du kích, người dân… Nhưng vì còn quá nhỏ, một thời gian ngắn, đứa thứ 2 đã chết vì đói khát. Đúng lúc này, bố anh lại bị địch bắt đày ra Côn Đảo.
|
Anh Châu xúc động khi kể lại cuộc trùng phùng kì lạ. |
Tang thương chồng chất tang thương. Ông anh cả khi đó mới 12 tuổi đành dắt díu các em đi lang thang, rồi sau đó mỗi đứa một nơi. Anh cả mưu sinh bằng nghề bán kem dạo, dạt hết nơi này đến nơi khác. Anh thứ 2 mới 6 tuổi may mắn hơn được một người dân tốt bụng đưa về Cô nhi viện Quảng Nam.
Riêng anh Châu tên thật là Nguyễn Văn Dũng, khi ấy mới 2 tuổi, lang bạt khắp nơi và bặt vô âm tín từ đó. Anh Châu không nhớ được nhiều, chỉ biết năm lên 7 tuổi, khi đang ở Đồng Nai, anh bất ngờ được người đàn ông tên Trần Huynh nhận làm con nuôi và đưa về Cẩm Kim sinh sống.
Từ đó, anh lớn lên trong tình yêu thương chăm sóc của người cha nuôi nhưng khát khao tìm lại gia đình của mình vẫn luôn thôi thúc, cháy bỏng trong anh.
Sau khi học xong cấp 1, anh Châu ở nhà chăn trâu cắt cỏ. 18 tuổi, anh Châu nhập ngũ, gia nhập Trung đoàn 83, ra xây dựng đảo Sinh Tồn Đông trên quần đảo Trường Sa lớn. Rời đảo về đất liền, anh Châu bắt đầu những chuyến hành trình xuôi ngược tìm cha. Đi đâu, làm gì anh cũng luôn mường tượng đến, hỏi nhờ các đồng chí, đồng đội xem có ai biết về hoàn cảnh gia đình mình hay không?
Ký ức tuổi thơ đã khiến anh luôn mặc định rằng, mình có quê quán ở tỉnh Đồng Nai nên khi ra quân, trở về nhà xây dựng gia đình, tằn tiện được đồng nào anh lại xuôi vào Đồng Nai tìm kiếm. Có những chuyến đi phải vay mượn của hàng xóm, bán hết mọi thứ trong nhà đi mới đủ. Trở về hai vợ chồng lại lao vào làm việc kiếm tiền trả nợ.
Có tiền anh lại đi. Ngặt nỗi, ngay cả tên chính xác địa danh, gia đình nuôi ngày đó... anh Châu không rõ nên mọi chuyến đi đều bất thành, dù hai vợ chồng liên hệ địa phương, đăng ký với cả chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Nhưng rồi một buổi trưa định mệnh của năm 2012, khi đang đi phụ hồ, anh nhận được điện thoại của cậu con trai báo về nhà gấp vì có một cụ già cần gặp. Dù không hi vọng gì nhiều nhưng hôm ấy linh tính vẫn như mách bảo người đợi ở nhà là cha mình, anh Châu vội vàng phi xe về nhà.
Bước vào nhà nhìn thấy một cụ ông gầy nhom nhưng khuôn mặt rất giống anh, anh Châu đã chột dạ. Đến khi ông cụ bỏ mũ ra rồi thốt lên đầy xúc động: có phải con không thì lúc ấy anh chắc chắn rằng người đứng trước mặt anh là người cha ruột mà anh vất vả tìm kiếm bấy lâu nay.
|
Anh Châu cùng người cha và anh trai cả trong lần hội ngộ cùng cựu binh Trường Sa dịp 22/12/2012. |
Hai cha con ôm chầm lấy nhau vỡ òa trong niềm hạnh phúc và những giọt nước mắt mừng tủi sau hơn 40 năm xa cách khiến người chứng kiến không khỏi cầm lòng. Bao nhiêu mong nhớ, những tháng ngày ròng rã tìm kiếm tưởng chừng tuyệt vọng cuối cùng không ngờ lại trùng phùng ngay trên quê hương mình, ở Quảng Nam chứ không đâu xa xôi.
Mâm cơm đoàn tụ bày ra, dù không ăn được nhiều nhưng cả nhà anh đều cảm nhận, đây là bữa ăn ngon nhất trong đời. Mọi người hồ hởi ôn lại những tháng ngày lưu lạc với những ký ức nhiều lúc không được nguyên vẹn.
Hóa ra hơn 40 năm nay, ông Nguyễn Văn Não, cha anh vẫn miệt mài đi tìm cậu con trai út, dù ông đã lập gia đình mới và có thêm con riêng. Ông kể, năm 1975, trở về từ nhà tù Côn Đảo, nhận tin các con lưu lạc khắp nơi, ông đau đớn tột cùng. Ông bắt đầu hành trình tìm lại các con dù biết là rất khó khăn.
10 năm đi dò hỏi khắp nơi, cuối cùng ông cũng tìm được anh cả Sâm và anh thứ Hoàng, còn thông tin về anh Dũng (tên thật của anh Châu) vẫn bặt vô âm tín. Biết là mò kim đáy bể bởi khi ấy anh Châu quá nhỏ nhưng trong thâm tâm, ông Não vẫn tin rằng sẽ có ngày cha con được trùng phùng.
Những ngày tháng sống cảnh "gà trống nuôi con" của ông Não đã khiến bà Lê Thị Thu, kém ông 30 tuổi, đồng cảm mà về cùng ông chăm nuôi các con riêng và chung ăn học, lo dựng vợ gả chồng. Nhưng cuộc sống khi ấy quá khó khăn, gia đình ông Não có đến 6 miệng ăn mà chỉ dựa vào 3 sào ruộng cộng với mảnh vườn hoang nên ông Não đành gác lại giấc mơ đi tìm cậu con trai út.
Đến năm 1990, tích cóp được ít tiền, ông Não mới đi tìm hài cốt vợ đưa về chôn và nhiều lần ngược xuôi vào Nam ra Bắc, hay về các huyện lân cận tỉnh Quảng Nam để dò tin tức người con út. Thế nhưng, ông Não chỉ nhận được cái lắc đầu.
Tuổi mỗi ngày một cao, sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng ông Não vẫn luôn khao khát được gặp lại đứa con út một lần trước khi mất. Nhiều lần tìm kiếm không thành, ông chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ngày ngày thắp hương cho người vợ quá cố để cầu khấn. Có lẽ tấm lòng của người cha đã thấu tận trời xanh.
Trước ngày cha con gặp nhau, bất ngờ trong giấc chiêm bao, ông Não như nghe tiếng vợ mình chỉ dẫn: con trai hiện đang ở Hội An, đã đổi tên khác nhưng có đặc điểm tóc bạc trắng đầu hơn cả cha. Tỉnh dậy, ông quyết tâm đến Hội An tìm con dù trong túi chỉ vỏn vẹn 400 ngàn đồng mà người vợ thứ 2 chắt bóp, tằn tiện đưa cho. Duyên số thế nào, vừa nói qua vài chi tiết, người trưởng thôn lúc đó đã dẫn ông thẳng đến nhà anh Châu.
Ngày 22/12/2012, trong cuộc gặp gỡ với đồng đội cũ - những cựu binh Trường Sa của Hội An, anh Châu xúc động khi lần đầu tiên được giới thiệu về chính cha ruột và anh ruột của mình. Ai cũng rưng rưng chúc mừng niềm vui đoàn tụ của gia đình anh.
Sau cuộc trùng phùng kì lạ ấy, ông Não vẫn về sống cùng vợ và các con ở Tam Lập, Phú Ninh, còn anh Châu vẫn cùng vợ sống ở quê hương của người cha nuôi và tiếp tục công việc phụ hồ. Thi thoảng anh Châu lại cùng vợ con về Phú Ninh thăm cha và các anh hoặc đón ông về chơi ít ngày.
Gia đình cha ruột và cha nuôi cùng các anh em đều khó khăn chẳng thể giúp nhau được nhiều nhưng họ đều hạnh phúc và mãn nguyện khi đã tìm được gia đình, người thân sau bao năm xa cách.
Mời quý độc giả xem video hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):