Tại buổi họp báo, nhiều PV đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề như quản lý các trạm BOT, tiến độ chạy thử tàu sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và quy hoạch Ga Hà Nội.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo quý III của Bộ GTVT. |
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, sau hàng loạt vụ việc người dân phản đối trạm BOT, bài học kinh nghiệm được Bộ rút ra là làm sao phải có hệ thống văn bản đồng bộ để dễ thực hiện. Việc thực hiện là theo đường lối chỉ đạo nhưng vấn đề thực hiện và quản lý thực hiện còn mới nên Bộ chưa có kinh nghiệm, chưa bao quát hết được các vấn đề, hệ thống văn bản chưa đầy đủ nên còn nhiều vướng mắc.
"Tính khả thi của BOT cơ bản chưa được xem xét kỹ. Vấn đề đánh giá tác động xã hội chưa kỹ. Khi đánh giá lựa chọn nhà đầu tư thì giấy tờ tương đối đầy đủ nhưng đến khi thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề, đôi khi phải thay thế nhà đầu tư nên còn sai sót. Chúng tôi đã rút ra bài học cần phải xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, khi tổ chức thực hiện phải tốt hơn, rõ ràng hơn...", ông Đông nói.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc cho phép đặt trạm BOT nhưng chưa hợp lý, ông Đông cho rằng: "Xác định về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với BOT thuộc về Bộ GTVT. Những tồn tại bất cập trong thực hiện như tôi đã nói ở trên là về luật pháp. Trạm thu phí hở có những bất cập, người tham gia giao thông đi đoạn đường ngắn hay dài đều mất tiền như nhau, thậm chí người đi ở giữa thì không mất tiền".
|
Liên quan đến câu hỏi về việc có di dời vị trí trạm Cai Lậy không, đại diện BỘ GTVT nhấn mạnh: "Về vấn đề này, phải làm rõ trạm Cai Lậy đặt đúng hay sai?". |
Về trách nhiệm của Bộ GTVT cũng như giải pháp đối với các dự án BOT, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: "Trước khi triển khai dự án, chúng tôi cần phải tham khảo cộng đồng một cách rộng rãi. Việc đặt trạm BOT phải rà soát và điều chỉnh dịch đi dịch lại cũng không dễ dàng. Với trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Khi làm, chúng tôi đã lấy ý kiến của địa phương và cả cơ quan, đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đã đặt trạm thu phí thì phải mất tiền nên không ai muốn. Nhưng vì thiếu tiền nên chúng ta vẫn phải làm".
Về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, nhiều ý kiến cho rằng thu như hiện nay đang bị coi là ‘phí chồng phí”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lấy dẫn chứng về các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ và Nhật Bản đều phải có những quỹ hay huy động từ nguồn xã hội hóa để bảo trì và xây dựng đường bộ.
Nói về trách nhiệm của các cá nhân trong sai sót quản lý, thực hiện vấn đề BOT, ông Đông cho hay: "Trách nhiệm cá nhân chắc chắn là có, chúng tôi sẽ rà soát và thông báo sau".
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề chạy thử đầu tàu đường sắt trên cao vào sáng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng đó chưa phải là chạy thử mà mới là "chạy nháp".
"Ban đầu, chúng tôi dự kiến đầu tháng 10 chạy thử nhưng không khả thi. Vướng mắc mắc ở chỗ chúng ta chưa đủ vốn và đang chờ giải ngân. Chúng tôi sẽ xem lại và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Việc chạy thử đầu tàu sáng nay là chạy nháp. Chạy để kiểm tra hệ thống của đường ray. Để chạy cần rất nhiều yếu tố nữa. Chạy thử từng phần để rút ngắn thời gian tổng thể".
Còn về dự án tàu cao tốc Bắc - Nam, đại điện Bộ GTVT cho rằng dự án này khó khả thi vì việc chọn nhà đầu tư không dễ. Cơ chế và hệ thống pháp luật còn vênh thì chưa thực hiện được.
"Về vấn đề này chúng tôi sẽ phải làm đồng bộ. Tuy nhiên, việc huy động vốn và lựa chọn nhà đầu tư không dễ", ông Đông khẳng định.