Thậm chí có gia đình còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng mở phủ để con được hưởng “lộc trời”, cứu độ nhân gian cho thiên hạ. Hậu quả, tiền mất tật mang, bệnh nhân bị bệnh tâm thần ngày càng nặng.
Tại khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức, bệnh nhân Nguyễn Thị T., khi mới mắc bệnh, gia đình liền lập điện thờ cúng bái mất hàng trăm triệu đồng, nhưng càng cúng, bệnh tình càng nghiêm trọng. Khi đó, người nhà mới đưa đi viện thì bệnh đã rất nặng.
Bệnh nhân T. nhập viện được 1 thời gian, khi bệnh tình thuyên giảm, gia đình tiếp tục xin bệnh viện cho bệnh nhân được ra viện để về nhà làm lễ. Bởi thầy bói đã phán, chị T. chả có bệnh gì, chỉ là do người “âm hành”, phải mở phủ bệnh mới khỏi được.
Mặc dù bác sĩ đã hết lời giải thích, gia đình nhất quyết đưa con về mở phủ. Lần thứ hai, bệnh nhân T. vẫn không khỏi, mà ngược lại, bệnh càng ngày càng nặng.
|
Cho rằng bị "ma hành", hầu hết bệnh nhân đều được gia đình mời thầy cúng về "bắt vong". |
Bác sĩ Trương Văn Tuần - khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cho biết, nhiều gia đình khi thấy con mình có những hành động bất thường của chứng tâm thần, thậm chí bị bệnh rất nặng, đều nghĩ là do “người âm” hành.
“Có gia đình quyết tâm đưa con về cúng bái bởi thầy cúng khẳng định, qua giai đoạn này sẽ được hưởng “lộc trời”, mở phủ để cứu độ nhân gian”, bác sĩ Tuần nói.
Tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, hầu hết bệnh nhân tâm thần trước khi nhập viện đều được các gia đình mời thầy về “bắt vong”. Nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, phải đi vay mượn để cúng bái nhưng bệnh không khỏi.
“Tâm thần là một căn bệnh, phải điều trị bằng thuốc và liệu trình tâm lý. Đáng tiếc là nhiều người vẫn còn mê tín dị đoan, cúng bái, vừa tốn kém, lại còn khiến người bệnh mất cơ hội điều trị ở giai đoạn đầu. Hầu hết bệnh nhân vào bệnh viện đều là bệnh nặng, sau khi 'vái tứ phương' không khỏi mới tìm đến chúng tôi”, bác sĩ Tuần cho biết.
Thực tế đã có nhiều bệnh nhân bệnh tình không thế cứu vì người nhà mê tín dị đoan, tin vào cúng mái, để bệnh nhân mất đi cơ hội vàng trong điều trị.