Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố quy hoạch cán bộ, đưa ông Lương Duy Hanh người bị cách chức Cục trưởng vào tháng 6/2017, vì liên quan đến những vi phạm của Formosa vào ba vị trí Vụ trưởng, Vụ phó của Tổng cục Môi trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hai vị trí mà ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường vừa được Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà phê duyệt quy hoạch là Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường và Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (thuộc Tổng cục Môi trường). Ngoài ra, ông Hanh cũng đang được xem xét quy hoạch vào vị trí Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ.
Dư luận đặt câu hỏi, ba vị trí mà ông Lương Duy Hanh được đưa vào quy hoạch để bổ nhiệm có chức năng nhiệm vụ thế nào?
|
Ông Lương Duy Hanh. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường nơi ông Hanh được quy hoạch chức vụ trưởng có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường giúp Tổng cục trưởng tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, phương án cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; trình Bộ trưởng chấp thuận điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Thường trực các Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật;
Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp báo cáo về công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; về công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, phương án và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước; về đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; về lập, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
Đề xuất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phát sinh chưa được quy định trong danh mục các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ trì, phối hợp đóng góp ý kiến đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực và vùng, các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật; chuẩn bị nội dung trả lời các câu hỏi, ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường theo phân công của Tổng cục trưởng.
Thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn viện trợ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường theo sự phân công của Tổng cục trưởng.
Tổ chức quản lý hồ sơ, tài liệu về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật…
Vụ Quản lý chất thải thực hiện chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường quản lý nhà nước về kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
Vụ Quản lý chất thải nơi ông Hanh được quy hoạch làm vụ trưởng có chức năng nhiệm vụ trình Tổng cục trưởng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự thảo chỉ thị, quyết định, thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo phân công của Tổng cục trưởng…
Đồng thời, giúp Tổng cục trưởng, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục;
Theo dõi và tổng hợp báo cáo về công tác kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;
Tổ chức thực hiện việc đăng ký, xác nhận, công nhận, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án và các loại giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận, chứng chỉ khác về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp đóng góp ý kiến đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của các bộ, ngành, địa phương…
Hướng dẫn, kiểm tra công tác lập danh mục, việc xử lý triệt để, xác nhận việc hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; việc thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hoạt động quản lý chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước; công tác thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ…
Hướng dẫn việc kiểm soát nguồn ô nhiễm trong quá trình thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm dự án đầu tư…Hướng dẫn kỹ thuật, quy trình phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại;
Tổng hợp, dự báo về nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; về tình hình phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước.
Thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn viện trợ về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo sự phân công của Tổng cục trưởng.
Tổ chức quản lý hồ sơ, tài liệu về kiểm soát nguồn ô nhiễm, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật…
Vụ Khoa học Công nghệ nơi ông Hanh được quy hoạch làm vụ phó có chức năng nhiệm vụ xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý khác về khoa học và công nghệ; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện sau khi được ban hành; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình khoa học và công nghệ, phát triển tiềm lực, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ứng dụng năng lượng nguyên tử, đo lường và chất lượng sản phẩm đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Quản lý các hoạt động về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ….
Từ chức năng nhiệm vụ 3 vụ mà ông Hanh được quy hoạch chức vụ vụ trưởng, vụ phó trên, dư luận đặt ra câu hỏi về chuyên môn.
Cụ thể, trước đây khi làm Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường ông Hanh đã bị Bộ TN&MT cách chức vì liên quan đến những vi phạm của Formosa do thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.
Vậy nếu làm vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường hay Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải vẫn là phạm vi công việc giống Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường trước đây thì có sợ lịch sử lặp lại hay ông Lương Duy Hanh sẽ rút kinh nghiệm từ vụ Formosa để làm tốt hơn?