Clip cách làm lâu đài cát:
Lâu đài ” có một không hai
|
Công trình kỳ lạ ở ấp An Bình. |
Ở ấp An Bình, xã Hòa Bình, H.Chợ Mới, An Giang, không ai lạ gì với hình ảnh một lâu đài độc lạ nổi lên cao vút giữa những tán cây um tùm. Chủ nhân của ngôi nhà kỳ dị đó cũng đã quá nổi tiếng với những biệt danh “ông già đọt cây”, “người chim”, hay “dị nhân trên cây”…
Cụ ông tên là Dương Văn Dương, năm nay 92 tuổi, và đã có thâm niên hàng chục năm sống ở tòa “lâu đài trên ngọn cây” ấy.
Gọi là “lâu đài”, nhưng thực chất đó là một căn chòi bằng tre nứa, buộc chằng chịt lại với nhau, đếm đủ 10 tầng. Tầng cao nhất chỉ để sơ sài một cái võng cho chủ nhân nằm đung đưa và nghe chim hót.
Điều đặc biệt là nó không hề có cầu thang hay dây chằng gì cả. Ai muốn lên được tầng cao nhất thì chỉ còn cách bám theo những thanh tre nứa và len lỏi dần lên phía trên.
Thấy tôi đang ngơ ngẩn ngắm nhìn công trình kỳ lạ này, anh con trai sống ở căn nhà cạnh đó cất tiếng gọi. Í ới mãi không thấy, bực mình, anh ta vào trong nhà lấy hẳn cái loa cầm tay ra gọi ầm ỹ. Một lát sau, thấy một cái bóng nhỏ thoăn thoắt từ tít trên cao trượt xuống.
Anh con trai cho biết, nếu như người ta hay nói “thất thập cổ lai hy”, thì trường hợp của bố mình có vẻ lại hơi… ngược đời, mà hình như càng có tuổi càng khỏe hay sao ấy.
Năm nay 92 tuổi, như hầu hết các cụ khác thì đã về với trời đất, hoặc tay chân run rẩy một chỗ cho con cháu chăm sóc, đằng này cụ Dương hàng ngày vẫn ra đồng làm lúa, rảnh tay lại đi đốn tre, róc nhánh để tiếp tục “nâng cấp” cái chòi của mình lên cao nữa.
Mùa nước lũ, cụ vẫn lặn dưới sông kéo lưới bắt cá. Những lúc nghỉ ngơi, cụ cứ leo tít lên tầng thứ 10 nằm võng đung đưa hứng gió trời và nghe chim hót, ngủ trưa trên đấy. Đến giờ ăn, con cái nhiều lúc phải bắc loa gọi mãi cụ mới xuống, ăn xong lại… leo lên. Mặt khác, mấy chục năm qua, rất hiếm khi nào cụ bị bệnh đến nỗi phải đi khám bác sĩ.
Trước có đợt mưa to, gió lớn, “lâu đài” cứ kêu ót ét kẽo kẹt, tưởng đổ đến nơi. Con cháu hoảng hồn đứng quây xung quanh chờ mãi, chăng cả chăn màn đề phòng “dị nhân”… rơi. Phải mãi một lúc sau mới thấy cụ lò dò xuống. Cụ bảo do gió mạnh quá, mưa tạt nên ướt hết cả đành phải xuống vào nhà. Còn những lần khác, mặc mưa, cụ vẫn cứ yên vị trên tầng cao nhất.
“Chúng tôi chưa ai dám trèo lên căn nhà đó, chỉ có mình ổng dám lên. Lúc ổng mới lên được mấy tầng thì ông anh thứ Sáu (con trai cụ Dương) ra dỡ bỏ, ổng chửi quá trời. Từ đó về sau ổng muốn làm sao thì làm, con cái không ai khuyên can nổi nữa”, anh con trai ngán ngẩm.
Câu chuyện tới đây thì cụ Dương đã từ tầng 10 xuống đến nơi. Trước mặt tôi là một ông cụ gầy gò, ốm yếu, tóc bạc phơ, ánh mắt vẫn còn rất tinh anh. Chưa kịp hỏi điều gì, cụ đã bảo tôi lên… tầng 10 ngồi nói chuyện. Tôi cũng bám theo mấy thanh nứa cũ kỹ rêu mốc leo thử, nhưng mới lên đến tầng 2 đã cảm thấy căn nhà rung bần bật, nên nhanh chóng tụt xuống đất.
|
Cụ Dương Văn Dương. |
Nhìn tôi sợ hãi, cụ cười khà khà: “Trước công an xã có đến hỏi tui cất nhà để làm gì, vì sợ lại làm chuyện mê tín dị đoan gây hiếu kỳ. Nhưng tui chỉ làm cho vui, đâu có ảnh hưởng đến ai. Con cháu cũng khuyên tui xuống dưới vì sợ nó sập, nhưng tui biết nó chắc chắn lắm, sập thế nào được. Có một đợt, nhà báo đến nhiều lắm, lúc đó mới làm được có 8 tầng, giờ đã là 10 tầng, và tui đang định tiếp tục lên cao nữa”.
Gọi là “làm cho vui”, nhưng thực sự công trình kỳ lạ này của cụ Dương đã bắt đầu từ 40 năm trước.
Cụ Dương cho biết, hồi đó mới hơn 50 tuổi, một ngày đẹp trời ngồi uống trà trước cửa, tự dưng nghĩ mình cũng bắt đầu có tuổi, phải chuẩn bị cho mình một chỗ thoáng mát để an hưởng tuổi già. Lại yêu thích thiên nhiên, nhất là khu vườn ngoài sân cây cối rậm rạp, chim hót líu lo, cụ Dương tính đường dựng nhà trong khu vườn ấy. Nhưng có vẻ nhà dưới thấp thì muốn ngắm nhìn cảnh vật xung quanh cũng khó, lại không có gì đặc biệt, thế là cụ quyết định dựng nhà… trên cây.
|
"Lâu đài" kỳ lạ không có thang, để lên đươc, chỉ còn cách bám vào mấy cây nứa và trèo. |
|
Thú vui của cụ là ngày ngày được nằm trên tầng cao nhất và nghe chim hót.
|
Nói là làm, ngày hôm sau cụ dọn sạch sẽ một khoảng không gian nhỏ giữa vườn, rồi trồng lên 4 cây gòn theo hình vuông, mỗi cây cách nhau 2 mét. Lúc đầu con cháu tưởng cụ trồng chơi nên không ai để ý. Rồi đến lúc lại thấy cụ hì hục vác dao đi chặt tre nứa, ôm về cả một đống chất ở đó. Hỏi thì cụ Dương chỉ cười mà không nói gì, ai cũng nghĩ cụ già rồi nên lẩm cẩm.
Thế nhưng vài năm sau, lúc 4 cây gòn đã đủ độ cao thì cụ Dương mới cho con cháu biết mình sẽ cất một cái đài để nằm hóng gió trời. Rồi cụ hì hục buộc tre chằng chịt vào 4 thân cây. Phải mất cả tháng trời, tầng đầu tiên mới được dựng xong, mà theo như mọi người bảo thì nó giống như mấy cái chòi dựng tạm ngoài bãi thì đúng hơn. Lúc đó, cụ vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà xây của mình cùng với con cháu.
Năm sau, 4 cây gòn mọc cao thêm, cụ Dương lại tiếp tục lên tầng 2, rồi năm sau nữa lên tiếp tầng 3, rồi lên tiếp tầng 4. Lúc đó, cụ bắt đầu vác võng lên treo và suốt ngày nằm vi vu trên đó. Mấy người con của cụ nghĩ chắc bố mình chỉ làm đến như vậy, có khuyên bảo cũng không nghe nên kệ, chỉ cắt cử mấy đứa cháu thường xuyên để ý không lỡ cụ trượt chân rơi xuống. Ai ngờ, 4 cây gòn mọc lên cao chừng nào thì tòa “lâu đài” cũng theo đó mà lên cao chừng ấy.
|
Lâu đài được dựng dựa trên 4 cây gòn được cụ Dương trồng cách đây hơn 40 năm. |
|
Hiện tại, nó đã được 10 tầng và tiếp tục cao thêm nữa. |
“Để làm được các tầng trên, tui dùng dây cột từng thanh tre ở dưới đất, rồi kéo lên từ từ. Mỗi tầng dùng khoảng 25 cây tre dài 3m, gác chồng chéo lên nhau, cột chặt vào 4 trụ chính là 4 cây gòn đang phát triển xanh tốt. Để lót sàn, tui dùng ván hoặc những tấm phên đan bằng tre cho nhẹ. Nhìn thế chứ chắc chắn lắm. Mình lớn tuổi rồi, muốn giải khuây thì sống thanh thản trên ngọn cây, hóng gió trời trong sạch và nghe chim hót chứ tôi không có ý gì khác”, “người chim” chia sẻ .
Trước đó, việc cất căn nhà kỳ lạ của cụ Dương chẳng hàng xóm nào hay biết. Đến lúc căn nhà cao chót vót lên đến tầng 7, nhô khỏi khu vườn, thì mới bị phát hiện. Mới đầu người ta ầm ầm đến phản đối, đóng góp ý kiến, nhưng mãi sau cũng quen nên không ai thèm đóng góp ý kiến nữa. Cụ bảo, mình lại tiếp tục cất nhà lên cao mãi, cho đến lúc cảm thấy “chán” mới thôi.
Tôi bảo với cụ rằng có lẽ 10 tầng đã quá đủ rồi, không cần làm lên cao làm gì nữa. “Dị nhân trên cây” cười hóm hỉnh, rằng cũng chẳng hiểu bản thân mình sao nữa, như là có cái gì đó trong con người cứ thôi thúc tiếp tục làm vậy.
Có một điều mà cụ cũng như mọi người đều phải thừa nhận, là hình như càng xây “lâu đài” lên cao, cụ càng khỏe, tỷ lệ nghịch với số tuổi ngày càng cao của mình. Trước đây, thỉnh thoảng cụ hay ốm vặt vãnh, nhưng mấy lâu nay cụ cứ phây phây, tinh thần sảng khoái và ngày càng minh mẫn.