Do mưa lũ và sạt lở, 200 công nhân thi công thủy điện Đắk Mi 2 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiện đang bị mắc kẹt tại các điểm hồ đập của công trình trong khi lương thực cạn kiệt và trước nguy cơ sạt lở nếu bão số 10 tiếp tục ập đến.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không nhanh chóng khơi thông các điểm sạt lở, đưa 200 công nhân mắc kẹt ra ngoài kịp thời, họ sẽ phải sinh tồn ra sao khi bão số 10 đến?
|
Khu vực nơi các công nhân đang bị cô lập.
|
200 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 đang bị mắc kẹt là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết ngày 29/10. Theo ông Hà, số công nhân trên đang bị mắc kẹt bên kia dòng sông Đak Mi (huyện Phước Sơn) theo từng tốp và hiện đang "kêu cứu" vì bị thiếu lương thực.
Ông Lê Xuân Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng Lượng Agrita Quảng Nam - chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 2 cũng xác nhận sự việc trên và cho biết các công nhân đang mắc kẹt ở 5 điểm trên chiều dài khoảng 10km. Ông Tuấn cũng nói rằng, khả năng lương thực dự trữ của các công nhân chỉ đủ “nấu cháo cho ăn trong vòng 2 ngày tới".
Đáng chú ý, hiện tại đường từ trung tâm huyện Phước Sơn vào xã Phước Lộc đã bị chia cắt nhiều đoạn, nhiều cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, nước lũ chảy xiết không thể lội qua được cùng với nhiều điểm sạt lở khiến nên chưa thể thực hiện công tác cứu hộ các công nhân. Ngay cả việc các lực lượng chức năng của huyện Phước Sơn đang đưa lương thực đến bên này sông Đak Mi để tiếp tế cho các công nhân nhưng đang gặp một số khó khăn.
Trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, để tiếp tế lương thực cho các công nhân, lực lượng chức năng đã đưa ra phương án dùng dây cáp để đưa lương thực sang bên kia sông cho các công nhân bị mắc kẹt tuy nhiên chưa biết có thể thực hiện được hay không.
Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, buộc phải đề xuất Bộ Quốc phòng điều máy bay thả lương thực xuống cho các công nhân.
Mới đây, ông Lê Xuân Tuấn thông báo tin khả quan về việc đoàn của công ty sau nhiều giờ đi bộ vào hiện trường đã tiếp cận được tất cả 5 điểm mà 200 công nhân đang thi công dự án bị mắc kẹt. Các công nhân đều an toàn và công ty sẽ cử một đoàn đi bộ để vận chuyển lương thực vào tiếp tế, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cho họ.
Lực lượng chức năng gồm nhiều cán bộ công an, quân đội được huy động đến tìm cách tiếp cận, tìm kiếm những công nhân bị cô lập này và đã tiếp cận được 10 công nhân.
Tuy nhiên, bão số 10 sắp đổ bộ mà các cơ quan chức năng chưa có phương án khả thi để giải cứu tất cả các công nhân ra ngoài, trong khi lượng lương thực dù được tiếp tế nhưng cũng khó đảm bảo sẽ đủ cho các công nhân trải qua đợt bão tiếp theo. Đó là điều rất đáng quan ngại. Không ai có thể biết chuyện gì có thể xảy ra nếu nơi đây tiếp tục bị sạt lở do mưa bão. Các công nhân sẽ sinh tồn thế nào giữa một bên là dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy và một bên là đồi núi có nguy cơ lở đất và quan trọng là tình trạng thiếu lương thực.
Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, đặc biệt ở khu vực miền Trung, cần triển khai tất cả các giải pháp có thể để cứu người, cứu dân. “Cứu người là quan trọng nhất” – do đó, điều quan trọng nhất lúc này là lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam, Công ty cổ phần Năng Lượng Agrita Quảng Nam cần có phương án để đảm bảo sự an toàn cho các công nhân, cung cấp lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để các công nhân sinh tồn. Đồng thời khẩn trương có phương án xử lý các điểm sạt lở, làm cầu tạm, mở đường để các công nhân thoát ra ngoài trước khi cơn bão tiếp theo đổ bộ.
Bên cạnh đó, các công nhân cũng phải luôn chú ý sự an toàn cho bản thân, tập trung ở các lán trại đảm bảo điều kiện sinh hoạt, không di chuyển ra khu vực có nguy cơ sạt lở và khu vực gần bờ sông.
Để không xảy ra thêm những sự việc đáng tiếc, các giải pháp cứu hộ các công nhân trên cần phải được cơ quan chức năng cấp bách triển khai.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tổng hợp thiệt hại do bão số 9