Người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng
Thảo luận về dự án Luật Tố cáo sửa đổi chiều 23/11, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, cần có quy định là người tố cáo được gửi đơn đến 1 cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền.
“Nếu quy định gửi đến đúng địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền thì công dân không hiểu hết đâu là địa chỉ cơ quan có thẩm quyền nên gửi đến nhiều nơi. Quy định như thế này sẽ đỡ tốn công sức của các cơ quan chuyển đơn cũng như người tố cáo và người tố cáo sẽ không bị xử lý vì đã gửi đơn vượt cấp như các cơ quan vừa qua đã xử lý người tố cáo vấn đề gửi đơn vượt cấp”, đại biểu Mai Sỹ Diến cho biết.
|
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến- tỉnh Thanh Hoá. Ảnh quochoi.vn |
Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng đề nghị luật cần sửa đổi, bổ sung phải khuyến khích công dân trong đó có hơn 1 triệu cán bộ, công chức mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi tham nhũng của cá nhân có trách nhiệm trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.
“Thời gian vừa qua chúng ta rất trân trọng một số công chức, viên chức, người dân mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, nhưng tố cáo xong, người bị tố cáo được xem xét kết luận, xử lý thì người tố cáo bị họ hàng tẩy chay, công chức, viên chức là người tố cáo thì phải xin chuyển công tác, người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng.
Có công chức, viên chức tố cáo đúng nhưng phải kiểm điểm, phải xử lý và áp dụng hình thức tăng nặng với lý do biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt hàng tháng không phê bình, góp ý cho tổ chức, cá nhân và đồng chí mình theo quy định, để mà vỗ vai, góp ý sửa chữa, ngăn chặn”, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu.
Đại biểu Diễn cũng cho biết, có một số cán bộ có trách nhiệm trong các tổ chức, cơ quan các cấp thường vận dụng quy định này để xử lý người tố cáo là công chức, viên chức trong đơn vị một cách triệt để vì tội "vạch áo cho người xem lưng, trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường", khộng đóng cửa bảo nhau, làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.
“Những vấn đề nêu trên làm cho công dân không dám thực hiện tố cáo, trong đó có công chức, viên chức. Do vậy, việc quy trách nhiệm của người tố cáo, phải điều chỉnh mềm hơn để người tố cáo mạnh dạn thực hiện quyền của mình theo pháp luật quy định.
Bản chất tố cáo là chỉ ra những dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cơ quan, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ để cơ quan có chức năng xem xét, kết luận, xử lý, khắc phục. Người đi tố cáo phải bỏ công sức, tiền của cá nhân theo dõi, giám sát và đi tố cáo cũng có việc đúng, việc không đúng như nội dung tố cáo”, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.
Người đi tố cáo không cần thiết phải xưng danh
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì cho rằng, người đi tố cáo không cần thiết phải xưng danh.
“Tố cáo hoàn toàn khác so với khiếu nại. Khiếu nại là việc họ đi làm cho mình thì người ta dứt khoát phải xưng danh, người ta đòi hỏi quyền lợi cho mình thì phải xưng danh. Nhưng việc tố cáo và trong tố cáo đó có tố giác tội phạm là không cần thiết phải xưng danh. Người ta chỉ thông báo có vấn đề đó và anh phải xử lý”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh quochoi.vn |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận: “Tôi cho rằng chúng ta phải "trọng hành vi" chứ không phải "trọng chủ thể", chúng ta phải trọng hành vi có hay không có việc ấy, như vậy có hành vi người ta tố cáo cho chúng ta, như vậy việc tố cáo có chủ thể rõ ràng hoặc chủ thể ẩn vẫn phải được gọi là tố cáo, cho nên định nghĩa tố cáo không rõ ràng, dẫn đến chỗ chúng ta có tranh luận về vấn đề này. Tôi cho rằng có lẽ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại về định nghĩa tố cáo để xác định cho rõ”.
Đại biểu Nhưỡng dẫn ví dụ: “Nếu có một văn bản người ta gửi hoàn toàn tài liệu về vi phạm của một cán bộ công chức nhưng người ta không có bất kỳ một văn bản nào cả. Vậy cơ quan nhận không có đơn. Không có đơn thì không thể nói là nặc danh, không có đơn thì không thể nói là mạo danh, nhưng có tài liệu đó thì anh coi đó là gì, coi đó là khiếu nại hay tố cáo thì chúng ta phải định nghĩa, chẳng nhẽ chúng ta không xử lý vấn đề này”.
Mở rộng hình thức tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử rất khó khả thi:
Tổng Thanh tra Chính Phủ - Lê Minh Khái cho biết, về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác của người đã nghỉ hưu. Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian công tác trước đây nhưng nay đã nghỉ hưu.
“Khoản 4 Điều 12 dự thảo luật quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức khác bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Quy định như vậy đảm bảo tính toàn diện trong xử lý những hành vi vi phạm pháp luật không chỉ đối với những người về hưu mà đối với những người không còn là cán bộ, công chức, viên chức”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
“Nếu mở rộng hình thức tố cáo, nhất là tố cáo qua điện thoại sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, người tố cáo cũng như việc xử lý trách nhiệm người tố cáo sai sự thật. Trong trường hợp không kiểm soát được thì đây sẽ là kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây mất ổn định an ninh xã hội. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ rất phức tạp cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Trong bối cảnh hiện nay việc mở rộng hình thức tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử rất khó khả thi”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.