Ngày 23/2, ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục khiến dư nức lòng khi làm phụ bàn 30 phút tại quán cơm 5000 đồng dành cho người nghèo ở TP Huế để nhận khoản thù lao 60 triệu đồng xây nhà cho người nghèo ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).
Ông Hải có mặt tại Thừa Thiên - Huế và thực hiện phát 9.000 hộp sữa tại 5 điểm cho người nghèo ở huyện vùng cao A Lưới và về thành phố Huế thực hiện quyên góp xây nhà cho người nghèo.
|
Ông làm phụ bàn 30 phút tại quán cơm 5000 đồng dành cho người nghèo ở TP Huế. |
Đây chỉ là một trong chuỗi những hành động đẹp đẽ của ông Đoàn Ngọc Hải dành cho người nghèo. Hơn một năm qua, sau khi rời công việc của một cán bộ công chức, ông Hải được biết đến với nhiều hành động ý nghĩa thiết thực dành cho người nghèo như thực hiện 14 chuyến lái xe cứu thương xuyên Việt chở bệnh nhân nghèo, người bị tai nạn giao thông, chở hài cốt liệt sĩ, xây nhà cho người vô gia cư, quyên góp sữa đặc, sữa tươi, bánh kẹo, quần áo, xe đạp cho trẻ em nghèo…
Những tình cảm, tấm lòng và hành động thiện nguyện của ông Hải đã lan tỏa những điều hay và cái đẹp trong đời sống xã hội, khiến số đông phải ngưỡng mộ tấm lòng dành cho người nghèo của ông.
Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi: Có nên học theo “cách sống” của ông Đoàn Ngọc Hải? PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam – Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam khóa VII.
- - Sau hơn một năm qua, ông Đoàn Ngọc Hải đã có nhiều hành động thiện nguyện giúp đỡ những người nghèo khó. PGS.TS nhận xét như thế nào về những hành động này?
Ông Đoàn Ngọc Hải về hưu sớm do nhiều lý do. Sau khi rời công việc của một cán bộ công chức mà người ta hay gọi là “từ quan”, ông Hải đã làm rất nhiều việc thiện nguyện, đó là một việc rất tốt. Một hành động mà người dân người ta nhìn các quan chức, họ khát khao một con người vì cái tâm cho sự phục vụ phát triển cộng đồng, đặc biệt là đối với những người yếu thế trong xã hội.
Còn chuyện ông Đoàn Ngọc Hải phục vụ quán cơm người nghèo 30 phút nhận khoản thù lao 60 triệu đồng, thực ra đây chỉ là cái cớ để nhà tài trợ hỗ trợ ông Hải xây nhà cho người nghèo ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Trước đó, ông Hải đã có ý tưởng và thực hiện cuộc quyên góp xây dựng nhà cho đồng bào nghèo vùng cao, khó khăn. Đấy là một hành động rất tốt. Một việc làm mang ý nghĩa lớn và cần phải khuyến khích, ủng hộ.
|
Ông Hải quyên góp xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo. |
Ông Hải làm vì cái tâm! Nhiều khi người ta làm phúc cũng vì giải quyết chính cái tâm của bản con người. Đó là tình nhân ái của cộng đồng người Việt Nam. Có thể có người này, người kia nói rằng nào là đánh bóng, nào là muốn quảng bá, nhưng tôi cho rằng, ông Hải đã dành tâm huyết cho sự trợ giúp cộng đồng dành cho những người nghèo. Việc làm đó đáng được khuyến khích.
Nếu như mỗi cán bộ công chức của ta có một chút xíu làm như ông Hải, góp sức cho sự phát triển nói chung, đặc biệt với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa sẽ nhân lên lòng nhân ái của người Việt Nam đặt trong bối cảnh của ngày hôm nay. Tất nhiên, ông Hải có những hoàn cảnh riêng nhưng tôi cho rằng đó là những hành động nên khuyến khích và nhìn theo chiều hướng tích cực nhất.
- Như ông đã nói, người Việt có truyền thống lòng nhân ái. Bởi ngoài ông Đoàn Ngọc Hải, thời gian gần đây, khi Hải Dương bùng phát dịch COVID-19, hàng nghìn người đã chug tay giải cứu nông sản giúp người nông dân, hỗ trợ các công nhân yếu thế và chung ta góp sức cùng Hải Dương chống dịch hay trước đó đã từng diễn ra ở Đà Nẵng. Ngay như lũ lụt miền Trung triệu trái tim cả nước hướng về ủng hộ đồng bào tinh thần,vật chất. Đó là kết tinh của lòng nhân ái từ xưa và tồn tại trong hệ sinh thái nay làm nên sức mạnh?
Về việc chia sẻ với những người gặp khó khăn, người Việt Nam bao giờ cũng gắn bó với nhau, bao giờ cũng có một truyền thống nhân ái đặc biệt trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Người ta có câu truyền thống “lá lành đùm lá rách” và gần đây có câu tương tự “lá lành ít đùm lá rách nhiều”.
Thực ra đều phản ánh truyền thống tương thân, tương ái của người Việt. Truyền thống này trong thời đại ngày hôm nay cần phải được nhân lên nữa.
Nhiều người nói rằng những điều đó nên để cho nhà nước nhưng không phải cái gì cũng đợi Nhà nước. Những cái thuộc về cộng đồng, của con người với con người cần phải được nhân lên và phải coi đây là một trong những giá trị của truyền thống người Việt Nam mà chúng ta cần phải biết nâng niu, cần phải biết quý trọng. Thời gian qua, có những người lợi dụng việc đó để trục lợi nhưng ít thôi. Chủ yếu người ta giơ vai ra để chia sẻ những khó khăn đối với đồng loại của mình, người dân của mình. Rất nhiều người làm điều đó vì cái tâm của bản thân con người.
Do đó cần phải được khuyến khích thêm, gia tăng thêm trong thời đại ngày nay, nhất là trong thời điểm hệ giá trị mới của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vẫn cho rằng, đây là các giá trị truyền thống và vẫn phải được coi là hệ giá trị của thời đại hiện đại ngày nay.
|
PGS.TS. Lâm Bá Nam. |
- Quay trở lại ông Đoàn Ngọc Hải, được coi là tấm gương điển hình về giúp đỡ người yếu thế, nhân lên những giá trị cộng đồng, theo ông có nên học theo “cách sống” của ông Đoàn Ngọc Hải?
Tôi không bàn đến chuyện ngày xưa của ông Đoàn Ngọc Hải rằng là cứ không đồng ý gì đó thì từ quan. Rõ ràng đối với sự góp sức của từng cá nhân trên các cương vị công việc của mình cũng đều góp sức được. Vấn đề quan trọng là từ cái tâm bản thân từng con người, trách nhiệm đối với cộng đồng, trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước mới là chính. Điều đó được nhân lên, được lan tỏa trong đời sống xã hội ngày nay và trở thành hệ giá trị điều đó chúng ta nên học theo “cách sống” đó.
Xin cảm ơn PGS.TS. Lâm Bá Nam về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem video ông Đoàn Ngọc Hải làm phụ bàn 30 phút tại quán cơm 5000 đồng dành cho người nghèo ở TP Huế