Vụ việc cô gái 23 tuổi Lương Hải Như (quê huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mất tích gần bốn tháng tiếp tục thu hút quan tâm dư luận khi cảnh sát phát hiện 1 thi thể trên sông Tô Lịch.
Theo người nhà Hải Như, vào đầu tháng 10/2022 cơ quan chức năng phát hiện một xác đã phân hủy trên sông Tô Lịch. Vài ngày sau, công an lấy mẫu xét nghiệm ADN của cha mẹ Hải Như để đối chứng với xác. Đến nay, gia đình vẫn chưa nhận lại kết quả xét nghiệm.
Trao đổi với VietNamNet xoay quanh thời hạn trả kết quả giám định ADN, luật sư Đỗ Thanh Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nội dung này được quy định trong Luật Giám định tư pháp sửa đổi năm 2020.
|
Cô gái Lương Hải Như mất tích gần bốn tháng. Ảnh: Gia đình cung cấp
|
Cụ thể, theo luật định, thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
"Thời hạn giám định tư pháp tối đa là 3 tháng (đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 1). Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng", luật sư Tâm cho biết.
Theo luật sư Đỗ Thanh Tâm, tuỳ thuộc vào mục đích để giám định ADN thì sẽ có mức thời hạn khác nhau đối với kết quả trưng cầu giám định. Nếu chỉ giám định ADN của người chết để xác định danh tính sẽ không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo luật. Tuy nhiên, trong các trường hợp như trên, việc trưng cầu giám định AND để xác định danh tính luôn rất cần thiết.
Theo đó, thời hạn giám định sẽ tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng.
"Luật Giám định tư pháp quy định, trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định”, luật sư Đỗ Thanh Tâm viện dẫn.