Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết về chính sách đối với người làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, nghị định 61/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn hiện có nhiều bất cập. Ví dụ như việc xác định địa bàn, xác định đối tượng...
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. |
Theo quy định hiện hành, thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn đối với nam là 5 năm, với nữ là 3 năm, bước đầu là phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã đến công tác ở vùng khó khăn rồi, sau này không có chỗ nào về. "Có rất nhiều cô giáo công tác ở đây không lấy được chồng, nhiều người chưa lập gia đình", bà Nghĩa nói và cho rằng đó mới là thực trạng ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những chính sách ưu tiên đối với những giáo viên này.
"Chúng tôi nhất trí với việc xây dựng một nghị định mới để thống nhất thực hiện cho các đối tượng được điều động, bố trí về công tác trên cùng một địa bàn. Hiện nay, xác định vùng đặc biệt khó khăn cũng có nhiều quan điểm khác nhau, như UB Dân tộc thì cho đó là miền núi dân tộc thiểu số, còn Bộ LĐ-TB-XH là ở vùng hải đảo. Vậy cần xác định rõ thế nào là vùng đặc biệt khó khăn", bà Nghĩa băn khoăn.
Theo báo cáo của ngành giáo dục, hiện có rất nhiều nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sau khi hết thời gian 5 năm đối với nam, 3 năm đối với nữ vẫn công tác tại vùng này nhưng không tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Trong số này có nhiều người là dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, một số nhà giáo công tác tại trường của xã không phải vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhưng được phân công giảng dạy một số giờ tại điểm lẻ trường thuộc vùng khó không được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, các chính sách đối với người làm việc ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn đang thực hiện đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đến công tác ở các vùng này. Qua đó góp phần khuyến khích, động viên họ yên tâm công tác lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gắn bó với địa bàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt là 2 ngành giáo dục và y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã tạo điều kiện từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài nhiều năm.
Phải trả bù 40 tỷ vì hiểu sai chính sách
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, trong khi văn bản hướng dẫn chưa chặt chẽ nên dẫn đến việc thực thi mỗi nơi một kiểu.
Phó chủ tịch tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, các nghị định ra đời theo từng lĩnh vực, dẫn đến rất khó trong cách hiểu văn bản, chính sách.
Bà kể lại câu chuyện thời bà còn làm ĐB HĐND đi giám sát phát hiện bất cập do hiểu không đúng chính sách, ngành giáo dục đã phải trả bù 40 tỷ đồng để trả lại cho giáo viên, những người lẽ ra được hưởng chính sách nhưng lại chưa được hưởng do hiểu sai quy định.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Dân tộc của QH Nguyễn Lâm Thành cũng chỉ rõ, trong công tác xây dựng chính sách, phối hợp rõ ràng có khoảng trống trong viêc xây dựng các văn bản hướng dẫn.
“Trên thực tế chúng ta đưa ra hệ thống các văn bản mang tính mơ hồ, khó hiểu, không rõ ràng. Vì thế thực hiện không đồng nhất, nhiều địa phương chi trả sai cả đối tượng và địa bàn dẫn đến bài toán mà Bộ Tài chính đến nay chưa có lời giải liên quan đến con số chi trả”, ông Thành cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định do chính sách này được quy định tại nhiều văn bản nên dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất, chồng chéo, có đối tượng được hưởng cùng lúc nhiều chính sách, dễ gây tiêu cực, thất thoát.
Để chính sách đồng bộ, thực hiện thống nhất, hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng một nghị định mới để hoàn thiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Đây cũng là một cố gắng của Chính phủ gắn với cải cách hành chính theo nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện, các cơ quan liên quan phối hợp. Đồng thời, khắc phục tình trạng một chính sách nhưng lại quy định ở nhiều văn bản, bộ nào cũng có thể trình Chính phủ ban hành được”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.