Vụ bé trai bị bạo hành: Sao trút giận vào trẻ nhỏ?

Google News

Một bé trai khoảng 1 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện trong tình trạng bầm tím toàn thân, chấn thương sọ não nghi bị bạo hành, đang khiến dư luận phẫn nộ. 

Theo chuyên gia tâm lý, một số người lớn, trong đó có cả cha mẹ thiếu kỹ năng giải tỏa, ứng xử nên trút giận vào những đứa con …
“Vứt” con cho bạn nuôi
Ngày 4.8, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một bé trai khoảng 1 tuổi trong tình trạng bầm tím toàn thân. Chẩn đoán cho thấy cháu có máu bầm tụ ở màng cứng. Bé được một người nói là hàng xóm đưa vào viện cấp cứu rồi đi mất. Bệnh viện đã báo cho Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) để điều tra, làm rõ vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Qua điều tra sơ bộ, công an xác định, bé trai 1 tuổi ở Hà Nội bị bạo hành tên Trần Tiến A, mẹ cháu bị bắt vì buôn bán ma túy, gửi đứa con chưa đầy 1 tuổi cho bạn nuôi. Người bạn này lại chuyển cho người khác nuôi.
Vu be trai bi bao hanh: Sao trut gian vao tre nho?
Cháu Tiến A đang điều trị tại Bệnh viên Nhi Trung ương (ảnh chụp chiều ngày 7.8). Ảnh: BSCC 
Mới đây, mạng xã hội cũng lên án mạnh mẽ “hot girl ăn quỵt” Bella đã không xứng đáng là một bà mẹ khi ôm con sơ sinh đi lang thang khắp nơi. Thậm chí Bella còn hút thuốc, phả vào mặt đứa con mới hơn 1 tháng tuổi, khiến dân mạng phẫn nộ. Nhiều người nêu ý kiến nên tách đứa trẻ ra khỏi một bà mẹ không có ý thức chăm sóc con như vậy.
Trước đó, công an TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cũng đã khởi tố Hoàng Văn La (Vĩnh Yên) vì đánh con gái 9 tuổi dã man. Theo đó, ngày 27.3, sau khi rượu say, La về nhà, nghi ngờ con gái lấy 10.000 đồng của mình nên đã trút mưa đòn lên người con, dùng gậy, chân đạp vào người con. Sáng hôm sau, dù đau đớn nhưng bé gái sợ bố tỉnh dậy đánh mình nên cố đến lớp. Các cô giáo thấy học trò “khác lạ” đã kiểm tra và phát hiện các vết bầm tím khắp cơ thể cô bé nên đã đưa bé đi viện và báo công an.
Sự biến thái nhân cách
Nhận định về các vụ việc ngược đãi, bạo lực con của một số bậc cha mẹ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội) cho biết, nguyên nhân sâu xa của những vụ bạo lực nói chung và bạo lực với trẻ em nói riêng là do con người ngày càng chịu nhiều áp lực nên nhân cách ngày càng méo mó. Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả, có tiền là sung sướng nên luôn căng thẳng về tiền bạc. Hoặc là họ bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật, “đạp” lên đạo đức để kiếm tiền, còn nếu không kiếm được thì họ luôn tức giận, bí bách.
Chính vì tiền mà cuộc sống vợ chồng cũng căng thẳng, thường xuyên cãi vã, đánh chửi lẫn nhau. Những căng thẳng, hẫng hụt đó khiến nhiều người không biết trút giận vào đâu nên trút lên con cái. “Đó là vì con trẻ là đối tượng không có sức phản kháng, dễ bắt nạt, dễ đánh nhất” – ông Chất nói.
Ông Chất phân tích, kém cỏi kỹ năng sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều vụ bạo lực. Người ta thiếu kỹ năng ứng xử, không biết cách giải tỏa cơn giận dữ, cân bằng cuộc sống nên khi nóng giận, bí bách giơ chân, giơ tay nên để giải quyết mâu thuẫn hoặc cơn bực tức của chính mình. Mà trút giận lên trẻ là cách dễ nhất.
Về ý kiến cho rằng nên tách đứa con ra khỏi những người cha, người mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc con, ngược đãi, bỏ rơi, bạo hành con, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng điều này không hề đơn giản. “Nguyên tắc, theo các bộ luật hiện hành, nếu những người chăm sóc trẻ có dấu hiệu sao nhãng, không chăm sóc trẻ thì có thể can thiệp để tách trẻ. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ thì lại không làm thế được. Mặt khác việc tách trẻ không hề đơn giản bởi cần có phán quyết của toà án. Kể cả toà án có phán quyết nhưng với tình trạng em bé còn quá nhỏ thì rất khó, bởi nếu xét mục tiêu “vì lợi ích tốt nhất của trẻ” thì ở độ tuổi này trẻ vẫn phải bú sữa mẹ” – bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, đối với những trường hợp trẻ nhỏ mà cha mẹ bạo hành hoặc chăm sóc không đúng, người thân trong gia đình cần có các can thiệp hỗ trợ. Nếu như hành động ngược đãi, gây nguy hiểm cho trẻ vẫn tiếp diễn thì nên báo cho cơ quan chức năng hoặc công an để cùng tìm giải pháp trợ giúp đứa trẻ.
Sức khoẻ cháu bé 1 tuổi bị bạo hành vẫn khó lường
Chiều 7.8, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đến trưa cùng ngày, cháu Trần Tiến A đã qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ tiên lượng ngắn thì sức khoẻ cháu đã ổn định nhưng về lâu dài phải theo dõi thêm.
Ngày 6.8, sau khi chụp CT cắt lớp, các bác sĩ đã phát hiện cháu A bị chấn thương sọ não. Sau đó, cháu đã có 2 lần lên cơn co giật, nôn trớ nhưng các bác sĩ đã can thiệp kịp thời. Quá trình chăm sóc, đến trưa ngày 7.8, các bác sỹ cho biết kết quả thăm khám, xét nghiệp của cháu Tiến A đã có tiến triển. Các chức năng tuần hoàn bình thường, không còn tình trạng co giật.
Theo bệnh án, cháu A được một người đưa vào bệnh viện Xanh - Pôn chiều 3.8 theo giấy chuyển viện của Bệnh viện Việt Nam - CuBa. Sau khi để lại cháu bé, người này để lại tên, điện thoại và địa chỉ “ma” rồi đi mất. Bệnh viện đã báo cơ quan công an điều tra. Sau đó, cơ quan điều tra đã làm rõ người đưa cháu bé vào viện là Nguyễn Thanh Hằng (SN 1978), trú tại 58 phố Yên Phụ (Ba Đình). Hằng khai cháu Trần Tiến A sinh ngày 23.8.2016, mẹ cháu bé tên là Đ.L.H (SN 1983) trú tại phố Tống Duy Tân, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Do mẹ cháu bé mới bị bắt vì tội danh liên quan đến ma túy, nên đã gửi con cho một người bạn nhờ nuôi hộ. Đầu tháng 8 vừa qua, người bạn này bận công việc nên nhờ Hằng nuôi bé A giúp một thời gian. Ngày 3.8, thấy cháu bé có dấu hiệu nguy kịch, Hằng đã đưa vào bệnh viện rồi bỏ rơi cháu.
Theo Diệu Linh - Minh Nguyệt / Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)