Chuyện người tử tù lạ lùng nhất lịch sử tố tụng Việt Nam

Google News

Sáng 17/7/2016, phóng viên bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của tử tù Đặng Văn Thế - người tù lạ lùng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Ngót 12 năm bị “lãng quên” trong cái phòng biệt giam ấy, Thế vẫn có vóc dáng của một lực điền. Chắc hẳn hồi ở ngoài, người tù lạ lùng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam phải là người to khỏe lắm. Đôi mắt rõ ràng có dấu hiệu của sự suy nhược, nhưng ánh mắt vẫn khá linh hoạt và biết quan sát.
Một thứ mùi kỳ lạ khi tử tù Đặng Văn Thế đến trước mặt chúng tôi. Nó mang hơi ngai ngái mùi của ẩm mốc, mùi của nhà vệ sinh, mùi của dầu cao Sao vàng lẫn với mùi mồ hôi và cả hương vị của những bữa ăn gần nhất quện vào nhau, xộc tới lấp đầy căn phòng công vụ chật chội. Được thông báo trước, người cán bộ đang ca trực của dãy biệt giam đứng dậy, nhường căn phòng vừa được cải biến tức thì bằng việc bổ sung thêm mấy cái ghế nhựa cho cuộc gặp đặc biệt, và tranh thủ ra sân hít thở ít không khí trong lành…
Trong hình dung tử tù là phải gầy gò, xanh xao với mỗi bước đi leng keng tiếng cùm sắt... Nhưng khi gặp Đặng Văn Thế thì tôi lại thấy không đến nỗi nào. Ngoại trừ đôi mắt thâm quầng, hõm sâu vì thiếu ngủ và cái đầu cắt trọc lông lốc vì bệnh nấm ra thì trông bề ngoài, Thế hoàn toàn bình thường.
Ngót 12 năm bị “lãng quên” trong cái phòng biệt giam ấy, Thế vẫn có vóc dáng của một lực điền. Chắc hẳn hồi ở ngoài, Thế phải là người to khỏe lắm. Đôi mắt rõ ràng có dấu hiệu của sự suy nhược, nhưng ánh mắt vẫn khá linh hoạt và biết quan sát.
Chuyen nguoi tu tu la lung nhat lich su to tung Viet Nam
Thượng tá Thái Bá Hùng hỏi thăm tử tù Đặng Văn Thế (ngoài cùng bên phải). 
Về sau này, khi câu chuyện đã trở nên thân tình, Thế mới bảo thoạt nhìn chúng tôi, chưa cần cán bộ giới thiệu, đã biết là nhà báo. Tôi hỏi: Có phải vì cái máy ảnh không? Thế đáp: Không. Nhiều người khác vào gặp em cũng có máy ảnh. Nhưng cái cách các anh nhìn em, em biết là nhà báo.
Trong buổi nói chuyện, Thế ít cười, nhưng lúc cười cũng khá duyên. Những điều đó, cộng thêm cái mũi “phát”, đôi tai to và dài cân đối với khuôn mặt hơi dữ tướng đã làm chúng tôi lập tức có cảm tình với người tử tù ấy...
15/8/1997 là một ngày định mệnh đối với gã phụ xe trẻ Đặng Văn Thế. Trên chuyến xe đò từ Kỳ Sơn về thành phố Vinh, Thế và một phụ xe nữa nhận chuyển một túi 20kg hàng của người Mông. Những người dân tộc nói nếu mang được hàng qua phà Đô Lương, Thế sẽ có 2 triệu đồng.
Xe đi đến Trạm kiểm lâm ở Tương Dương thì bị tổ công tác dừng xe kiểm tra và Công an huyện Tương Dương bắt quả tang. Qua giám định tổng cộng 9 gói thuốc phiện thì hàm lượng morphin trong mỗi túi đều rất cao. Người phụ xe cùng tham gia vận chuyển hàng với Thế là Nguyễn Tất Dũng cũng bị bắt tại chỗ. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án Đặng Văn Thế và Nguyễn Tất Dũng tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, cả hai đều lĩnh án tử hình và phải nộp phạt 100 triệu đồng.
Án tử hình của Nguyễn Tất Dũng đã được thi hành thời gian sau đó. Còn Đặng Văn Thế, do có sự hợp tác khai báo thành khẩn trước Cơ quan điều tra nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn xin hoãn thi hành án tử hình để mở rộng điều tra.
Do lời khai của Thế được xác định là có cơ sở song tính pháp lý về chứng cứ còn hạn chế nên Cơ quan CSĐT đã có công văn trả lời và thông báo tình trạng vẫn đang tạm giam của Đặng Văn Thế, song đến nay vẫn chưa có hồi âm. Phòng biệt giam trở thành căn nhà thứ hai của Thế từ đấy...
Một ngày của tử tù Đặng Văn Thế bắt đầu rất sớm. Từ dạo “biền biệt một dinh cơ”, Thế không thể ngủ “nướng” được nữa. Trong phòng không có đồng hồ để xem được giờ, nhưng sau do thành quen, nhận biết âm thanh xung quanh Thế đoán rằng mình phải dậy khoảng 4h sáng.
Dậy sớm, chẳng biết làm gì, nằm ngửa nhìn chằm chặp vào cái camera giám sát trên trần nhà mà nghĩ lung tung mãi đâm chán, Thế nghĩ ra trò nghe tiếng động bên ngoài cửa để đoán xem ai đang làm gì...
Tiếng loạch xoạch lẫn cút kít tức là các phạm nhân tự giác đang đẩy xe cải tiến đi nhóm lửa thổi cơm sáng. Tiếng lập bập khô đanh là các phạm nhân đi lao động nhận cuốc, xẻng để cán cuốc, cán xẻng va vào nhau... Nghe riết đến mức nằm trong buồng giam chỉ cần thấy tiếng bước giày nặng hay nhẹ là Thế đã phân biệt được hôm nay là cán bộ Trung hay cán bộ Sang đến mở cửa buồng cho ra tập thể dục để mà cất tiếng chào, gọi tên thật chuẩn...
Nhưng đấy là bây giờ. Chứ hồi đầu, cả một thời gian dài ngày nào Thế cũng tỉnh từ khi nghe tiếng gà gáy sang canh. Cứ nằm im, và nghe ngóng. Hễ có tiếng bước chân đến gần là người Thế lại run bắn... Mãi đến khi con gà của hộ dân nào đó quanh trại không thấy kêu nữa, chắc bị làm thịt rồi hay sao, thì Thế lại thấy mình có vẻ “thoát” được cảnh đêm chỉ chợp mắt thấp thỏm...
Khi bị bắt, Thế mới 23 tuổi. Cái tuổi không quá dại nhưng cũng chưa đủ khôn để hiểu hết lẽ đời đối với một thanh niên miền núi “nhà quê ra tỉnh”. Bố Thế người gốc Minh Sơn, Đô Lương, Nghệ An, sinh được 6 người con. Năm nay ông cụ đã 74 tuổi. Mẹ Thế cũng đã 73. Thế bảo có được cán bộ cho xem tập “Ký sự Pháp đình” của nhà báo Đặng Huyền kể về thân phận cơ cực của những bà mẹ có con dính vào ma túy rồi thốt lên rằng những người đó so với mẹ Thế, cũng “chỉ bất hạnh đến thế mà thôi”.
Ngoài 2 chị gái đi lấy chồng, 3 trong số 4 người con trai trong gia đình đều dính vào ma túy. Hai anh của Thế, một người đã chết vì ma túy, một người bị tù chung thân vì ma túy và đến lượt “cậu út” Đặng Văn Thế. Hôm tòa tuyên án, mẹ và vợ Thế ngất lên ngất xuống tại tòa.
Thế cưới vợ được đúng 40 ngày thì bị bắt, vợ chồng còn chưa kịp quen hơi... Sau khi chuyển về phòng biệt giam chờ thi hành án, vợ Thế có lên thăm và khuyên Thế nên thành khẩn trước pháp luật. Được 3 năm thì Thế đồng ý giải thoát cho vợ đi bước nữa.
Lúc ấy, Thế nghĩ đời mình đến đây coi như hết. Có tội thì phải chịu tội trước pháp luật. Còn có ai đó thương “người ta” thì mình cũng thật cảm thấy mừng cho nhẹ lòng. Kể cả bây giờ, nếu cho làm lại, Thế bảo cũng vẫn sẽ làm vậy. Nỗi cơ cực này, Thế không muốn đổ cho ai.
Nhưng rồi, Thế đã có thời gian để nghĩ lại, để hiểu đời hơn. Và những tâm sự rất con người ấy, Thế đã viết thành thơ. Những vần thơ tạ tội thật cảm động. Trong bài “Thương cha”, Thế đã sám hối: “Suốt cuộc đời cha lặn lội gió sương/ Kiếm miếng ăn nuôi chúng con khôn lớn/ Dạy cho con phải làm người lương thiện/ Vậy mà con lại lạc lối lầm đường...”. Hai câu kết của bài thơ ấy, Thế đã khóc: “Thương cha lắm nhưng con đành bất hiếu/ Bởi đời con đã khép chặt đường về”.
Thế làm thơ để tạ tội cha mẹ, làm thơ để bày tỏ lòng biết ơn quản giáo, và làm thơ để tự an ủi mình. Khi nghe nói Nghệ An vận động xây dựng Khu di tích quốc gia Thanh niên xung phong tại Truông Bồn, Thế cũng làm thơ khóc các chị, để rồi cuối bài thơ thì ký rằng “một người con lạc lối của quê hương Truông Bồn”.
Thơ cũng là nơi để Thế nói lên ước mơ của mình. Trong bài “Tạ tội” Thế viết: “Thương mẹ nhiều con cố nén nỗi đau/ Để vươn lên trong quá trình cải tạo/ Con nguyện hứa sẽ vâng lời quản giáo/ Để ngày mai được trở lại làm người”. Và Thế còn hứa rằng: “Mai mốt này khi con được hoàn lương/ Sẽ cố gắng làm đứa con thật tốt/ Dù khó khăn chẳng làm điều dại dột/ Để mẹ hiền có được chút niềm vui”.
Câu từ của Thế có nhiều chỗ còn chưa chuẩn, nhưng hẳn là lời bộc bạch chân thật xuất phát từ một trái tim đã hiểu được cái lẽ trả - vay ở đời? Cho dù đã có những lúc phạm lỗi lầm, nhưng hoàn cảnh và bản năng sống đã buộc cho Thế phải nghĩ lại. Có câu nói: “Con chim sắp chết tiếng kêu thương, người sắp chết lời nói phải”. Con người ta, sống trên đời đâu phải chỉ cho riêng mình. Đó chẳng phải là những gì Thế đã hiểu và thốt lên đó sao?
Thế có 3 con mèo, đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Xe và Mã là hai con mèo đực. Pháo là mèo cái. Nguyên hồi đầu, một cán bộ thương cảm cho cái sự cô đơn của Thế, bèn cho Thế một con mèo cái. Thế đặt tên nó là con Mương. Thế nuôi Mương từ khi còn bé tí. Con Mương cũng rất ngoan. Chủ cho gì, nó ăn nấy, chẳng đòi hỏi. Mà cũng thật kỳ lạ, con Mương chỉ lớn đủ để chui qua lỗ thoát hơi trên cánh cửa sắt ra ngoài, không to hơn, không bé hơn.
Ban ngày con Mương ngủ trong buồng giam, đêm lại chui qua lỗ thoát hơi ra ngoài đi lang thang. Không hiểu có phải vì cái lối sinh hoạt “không giống ai” ấy của loài mèo mà người ta thêu dệt đủ thứ chuyện quỷ quái và về bóng tối liên quan đến những con mèo hay không, nhưng đối với Thế, con Mương đã thực sự trở thành một “kênh” giao tiếp giữa tử tù và thế giới bên ngoài. Nhìn chân con Mương bẩn thế nào, Thế biết hôm ấy nó đi đến đâu...
Mương lớn đẻ ra Xe, Pháo, Mã. Rồi đến một ngày, con Mương không về nữa. Thế nghe cán bộ bảo nó đi xa quá, ra đầu nhà đằng kia rồi bị ngã xuống bể nước mà chết. Thông cảm cho hoàn cảnh của Thế, cán bộ cũng cho Thế giữ nuôi cả 3 con mèo con.
Xe, Pháo, Mã càng lớn càng giống mẹ, như hiểu được cái hoàn cảnh của chủ, chúng cũng quấn quýt Thế mà chẳng bỏ đi đâu. Thế yêu nhất con Mã. Con Mã cũng yêu chủ vô cùng. Mỗi lần Thế giơ tay chỉ cằm là Mã lại mon men đến gần, cà cà râu vào đấy ra chiều rất khoái chí. Những lúc ngồi buồn một mình, Thế thường ôm Mã vào lòng thủ thỉ tâm sự. Thế bảo nếu mình chết, không biết những con mèo sẽ sống thế nào? Chúng nó kiếm cơm ở đâu?
Hôm chúng tôi vào, Thế bảo vừa “giải tán” bớt một số. Nguyên Xe, Pháo, Mã đã đẻ được 2 lứa. Lứa đầu được 2 con, đã cho cán bộ trại. Lứa vừa rồi chúng đẻ được 3 con, Thế đặt tên là Beckham, Rooney và Totti.
Hồi Thế mới vào biệt giam, đã biết gì đâu. Nhưng thi thoảng ra tập thể dục, rồi lại được cán bộ thương tình cho mượn cái đài con con nghe tin tức, cập nhật đời sống xã hội cho đỡ buồn, Thế biết tên mấy cầu thủ ấy. Bữa nọ cán bộ y tế vào tận buồng giam khám bệnh, Thế tặng con Rooney đi rồi. Còn Beckham và Totti, hôm trước tết Kỷ Sửu mẹ già lên thăm, Thế bảo mẹ mang về nuôi để “khi nhìn chúng nó, mẹ đỡ nhớ con!”.
Đối với các cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, cái sự đặc biệt của Đặng Văn Thế, lâu dần cũng thành... bình thường. Nhìn cái cách mà Thượng tá Thái Bá Hùng, Phó giám thị trại hỏi chuyện Thế, và cái ánh mắt Thế đáp lại anh, tôi tin đó là thứ tình cảm chân thành. Và chúng tôi còn hiểu rằng, đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu cải tạo đặc biệt của Đặng Văn Thế.
Thời gian biệt giam của Thế quá dài, tiếp tế của gia đình đã gần như không còn. Có thể nói Thế còn sống được và duy trì cho đến ngày hôm nay dựa hoàn toàn vào sự quan tâm, chăm sóc của trại. Thông cảm cho hoàn cảnh cũng như cố gắng giảm thiểu tác động không tốt đối với Thế, trại cũng không xếp phạm nhân mới cùng loại chung phòng với Thế (phòng biệt giam có 2 bục nằm). Thế giữ được vóc dáng như hiện nay chính là do sáng nào, cán bộ cũng cho phép Thế được ra khoang trung chuyển tập thể dục, hít thở không khí trong lành.
Công bằng mà nói, bảo Thế bị “lãng quên” chỉ là một cách hiểu theo kiểu thông thường. Mới đây nhất, ngày 8/9/2008, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An lại có Công văn số 183/TG gửi đồng chí Nguyễn Hữu Cầu, Phó giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra báo cáo về Đặng Văn Thế, và đồng chí Nguyễn Hữu Cầu cũng đã có buổi làm việc báo cáo với đoàn cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị sớm có chủ trương đối với Đặng Văn Thế. Điều chúng tôi băn khoăn là chủ trương thế nào? Tất nhiên Thế là người có tội, và phải chịu tội. Nhưng 12 năm đã qua tính răn đe trong hình phạt dành cho Thế liệu có còn cần thiết. Chưa kể hoàn cảnh cải tạo đặc biệt của Thế...
Chúng tôi đem những băn khoăn này trao đổi với Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, Giám thị Trại tạm giam. Về mặt công tác quản lý trại giam, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào kết quả cải tạo của Đặng Văn Thế. Tuy nhiên, Trại không có chức năng giải quyết, mà chỉ có chức năng đề xuất, báo cáo tình hình.
Được biết trong suốt thời gian qua, Đặng Văn Thế vẫn được thực hiện đầy đủ các quy định và chế độ đối với một tử tù. Cũng đứng trên góc độ quản lý trại giam, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ phân tích với chúng tôi nhiều điểm có lợi đối với trường hợp của Thế nếu được ân giảm từ tử hình xuống chung thân. Là những người trực tiếp quản lý Đặng Văn Thế, chúng tôi hiểu các anh có cái lý của mình khi nói lên những điều tâm gan ấy...
Phần mình, chúng tôi cũng thực sự mong muốn điều đó xảy ra. Về khía cạnh tố tụng liên quan đến trường hợp của tử tù Đặng Văn Thế, chúng tôi sẽ trở lại với bạn đọc trong một cuộc bàn luận khác. Còn ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng, không hiểu có duy tâm hay không, nhưng khi một con người biết yêu thương đến cả những con vật nuôi, thì cũng sẽ biết yêu thương chính đồng loại mình. Đặng Văn Thế đã thực sự trở thành người tốt!
Mời quý độc giả xem video Tiểu sử giang hồ Thành Chân (nguồn Youtube):
Theo ANTG

Bình luận(0)