Chuyến làm việc 10 giờ với 15 hoạt động của Thủ tướng

Google News

Sáng nay 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 tại New York, Hoa Kỳ.

Chuyen lam viec 10 gio voi 15 hoat dong cua Thu tuong
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong một ngày làm việc (hơn 10 giờ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình với 15 hoạt động: Dự, có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 73; có các cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội Đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ và nhiều cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với 5 nguyên thủ và lãnh đạo các nước; trao đổi, tọa đàm với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ; gặp gỡ bạn bè Hoa Kỳ, cán bộ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại New York.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo 193 quốc gia tham dự Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề: “Để Liên Hợp Quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, LHQ đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệt mỏi để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những “chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế” trong Hiến chương LHQ.
Ngày nay, LHQ đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành, đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ và là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của LHQ, nhất là về xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người.
Chuyen lam viec 10 gio voi 15 hoat dong cua Thu tuong-Hinh-2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. “Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Thủ tướng đề xuất vấn đề "trách nhiệm kép", mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại Hội đồng Liên hợp quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình và thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình. Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người.
Thủ tướng cho rằng, LHQ cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện theo hướng nâng cao hiệu quả, dân chủ và minh bạch để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế được trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu. LHQ cần tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh Cơ chế hợp tác thượng đỉnh LHQ và ASEAN theo hướng: Tăng nội hàm của LHQ trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong LHQ.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn 53 nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và cám ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam. Thủ tướng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. “Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và LHQ”.
Bên lề Phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba; Tổng thống các nước Croatia, Fiji, Saint Lucia; Thủ tướng Bulgaria,… để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc và quan hệ song phương với các nước.
Thủ tướng cũng đã tiếp Chủ tịch Quỹ Harbinger và ông cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Quỹ Warburg Pincus; gặp gỡ, tọa đàm với nhiều tập đoàn lớn, trong đó có các tập đoàn Top 500 Fortune của Hoa Kỳ như GE, Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences…
Nhấn mạnh đến ý tưởng và sáng kiến – những yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hoa Kỳ đóng góp những ý tưởng đối với tiến trình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, như ý tưởng 4.0 trong nông nghiệp, y tế, giáo dục… “Quan trọng là cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực”, Thủ tướng nói.
Kêu gọi các “sếu lớn” Hoa Kỳ hãy đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư chia sẻ về phương thức và những gì Chính phủ Việt Nam có thể làm để Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đem lại lợi ích và khả năng tạo ra bước phát triển đột phá cho Việt Nam hơn là bị đe dọa về mất việc làm và nguy cơ bị tụt lại phía sau… Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mở cửa đón chào và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành công.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng; cảm ơn sự hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam đã dành cho doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh chính sách của Chính phủ trong việc kêu gọi đầu tư và tỏ quan tâm đến các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng, dược phẩm, giao dịch điện tử, dịch vụ, khởi nghiệp… Các doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam coi trọng các chính sách kết nối doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0; cho rằng đây là lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác với Việt Nam, nhất là kinh tế số, kết nối số, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử.
Gặp gỡ cán bộ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đại diện cộng đồng người Việt Nam và một số bạn bè Hoa Kỳ tại New York, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, Việt Nam là một đối tác xây dựng và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả của tập thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực tại LHQ; đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác ngoại giao tại diễn đàn đa phương quan trọng bậc nhất này.
Có thể nói, trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ, chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định vai trò và cam kết của Việt Nam cùng các thành viên khác của LHQ chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu; nhấn mạnh thông điệp, tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân.
Theo Đức Tuân/Baochinhphu

>> xem thêm

Bình luận(0)