Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và của Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vừa có báo cáo "Về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương" gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã ký ban hành 41 Thông báo, văn bản chỉ đạo giao 217 nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Đến nay, đã hoàn thành 142 nhiệm vụ, các nhiệm vụ khác đang được các Bộ ngành, đơn vị tích cực triển khai, trong đó đã xử lý được một số vấn đề chính.
Cụ thể, đối với công tác thanh tra, kiểm toán các dự án, doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm toán ở hầu hết các dự án, doanh nghiệp và đã có kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán và biên bản làm việc.
"Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã chuyển kết luận thanh tra Dự án xơ sợi polyester Đình Vũ và 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, cùng báo cáo kiểm toán Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai sang cơ quan công an điều tra", báo cáo cho hay.
|
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng). |
Trong đó, chủ đầu tư của Dự án xơ sợi polyester Đình Vũ là Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). PVTex được thành lập ban đầu bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), một số đơn vị thành viên của PVN và VINATEX. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, PVTex chỉ còn 2 cổ đông là PVN với tỷ lệ vốn góp chiếm 74% và Tổng Công ty phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) - một đơn thành viên của PVN có tỷ lệ vốn góp 26%. Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 324,8 triệu USD, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 30% và vốn vay chiếm 70%. Trong số vốn vay có 224,8 triệu USD (tương đương 5.028,44 tỷ đồng) do PVN bảo lãnh thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV làm đầu mối.
Được khởi công tháng 7/2009 và hoàn thành nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013, chậm tiến độ 31 tháng. Đến tháng 9/2015, Nhà máy phải dừng sản xuất sau một thời gian hoạt động do thua lỗ và không bố trí được vốn lưu động.
Trong thời gian nhà máy hoạt động (khoảng 12 tháng) đã sản xuất và tiêu thụ được 117.103 tấn sản phẩm (trong đó, bán cho VINATEX là 18.505 tấn, chiếm 15,8% và một phần sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ), bước đầu đã thiết lập được hệ thống tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Mặc dù vậy, Nhà máy liên tục bị lỗ trong quá trình hoạt động do giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với giá bán (thậm chí giá bán không đủ bù biến phí). Đến thời điểm hiện tại Dự án vẫn chưa hoàn thành quyết toán.
Tính đến hết 31/12/2016, PVTex đã thanh toán gần 339 triệu USD so với Tổng mức đầu tư được duyệt là 324,8 triệu USD; tổng số lỗ lũy kế là 3.459,7 tỷ đồng trên tổng vốn chủ sở hữu là 2.165,11 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 7.213,59 tỷ đồng.
Mời độc giả xem clip "Khởi tố bắt tạm giam lãnh đạo PVtex": (Nguồn VTC1)
Ba dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) cũng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra gồm: Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước. Ngoại trừ Dự án Nhà máy NLSH Quảng Ngãi có 100% vốn góp của các cổ đông là công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), còn lại 2 dự án là Dự án Nhà máy NLSH Phú Thọ và Dự án nhà máy NLSH Bình Phước có vốn góp của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Các dự án được khởi công trong khoảng thời gian từ 2009 - 2010. Đến nay, có 02 dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành sản xuất, trong đó Dự án Nhà máy nhà máy NLSH Quảng Ngãi chậm tiến độ 30 tháng. Riêng Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ vẫn đang xây dựng dở dang chưa hoàn thành (mới chỉ đạt 78% khối lượng công việc) và đã tạm dừng thi công do phát sinh vướng mắc, tranh chấp về chi phí phát sinh đối với gói thầu EPC giữa các bên tham gia (PVOil không phải là cổ đông chính của Dự án nên không thể quyết định được toàn bộ các vấn đề của Dự án).
Đối với 02 dự án Nhà máy đã hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất thương mại do gặp phải các khó khăn về thị trường đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, giá thành sản phẩm không đủ bù chi phí sản xuất đã dẫn đến thua lỗ và phải tạm dừng hoạt động (Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước tạm dừng từ tháng 4 năm 2013 và Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi tạm dừng từ tháng 4 năm 2015). Trong quá trình vận hành sản xuất, công suất vận hành của các dự án chỉ đạt từ 20 - 30% so với công suất thiết kế.
|
Lãnh đạo Vinachem đã bị kỷ luật, cách chức. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Còn dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai được đầu tư bởi Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các công ty là đơn vị thành viên của Tập đoàn, trong đó Vinachem là cổ đông chính với số vốn góp từ 59,5% đến 97,66%.
Đáng chú ý, ngoài Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Vinachem còn là chủ đầu tư của 3 nhà máy phân bón khác gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và một Dự án cải tạo, mở rộng nâng công suất là Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc.
Đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã hoàn thành quyết toán mặc dù bị chậm so với thời gian quy định, các dự án còn lại vẫn chưa hoàn thành quyết toán do phát sinh vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thực hiện gói thầu chính EPC của dự án. Tính đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, cả 04 dự án đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thành sản phẩm không đủ bù đắp chi phí sản xuất.