Họ là những người đã góp phần quan trọng giúp tàu chống chọi được với những ngón đòn hiểm độc của các tàu Trung Quốc.
Thuyền phó tuổi 24
Lên tàu KN 628 để tác nghiệp, cơn say sóng của tôi chỉ chấm dứt sau khi được trò chuyện với Phó Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Quý (SN 1990, quê Quảng Trị). Thấy tôi tím tái vì say sóng, Quý ân cần động viên rồi tiết lộ bí quyết: “Đi biển lần đầu hoặc lâu ngày mới đi lại thì hầu như ai cũng bị say sóng, bản thân em cũng thế. Những lúc như thế này mình nghĩ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng, về nhiệm vụ của mình là hết say liền”.
Nước da sạm đen vì nắng gió, giọng nói ầm ào như sóng biển, trông Quý già hơn rất nhiều so với cái tuổi 24 của mình. Quý trở thành Thuyền phó tàu KN 628 từ tháng 9/2013, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân. Mới chân ướt chân ráo ra trường nhưng Quý đã thể hiện được khả năng của mình những khi được thuyền trưởng giao cắt cử công việc cho anh em và trực chỉ huy.
|
Lực lượng của tàu KN 628 đang tác chiến. |
Những ngày tác nghiệp trên tàu KN 628, tôi chứng kiến sự mạnh mẽ và quyết đoán một cách sắc lạnh của Quý khi tàu đối mặt với sự gây hấn của các tàu Trung Quốc. Sự chỉ đạo của Quý luôn sáng suốt, mưu trí nên mang lại hiệu quả cao trong tác chiến. Lúc làm nhiệm vụ mạnh mẽ, dũng cảm bao nhiêu thì những lúc thảnh thơi trên biển Quý lại gần gũi, hòa đồng với anh em bấy nhiêu.
Không chỉ là vị thuyền phó trẻ mưu trí và dũng cảm, Quý còn được anh em trên tàu KN 628 ca ngợi bởi nghị lực sống mạnh mẽ. Quý mới học đến lớp 7 thì bố mẹ li dị. Thời điểm đó, mặc dù mới chỉ 12 tuổi nhưng Quý đã cảm nhận nỗi đau tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều đêm liền Quý khóc cạn nước mắt và cảm thấy chán nản mọi thứ. Nhưng sự tan vỡ của gia đình không thể làm Quý gục ngã. Cậu học trò lớp 7 quyết tâm vượt qua nỗi buồn để khẳng định mình bằng cách chuyên tâm vào việc học. Từ năm lớp 9, Quý cùng bạn bè mở quán bán cà phê để kiếm tiền trang trải cho mình. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quý thi đậu Học viện Hải quân.
Đêm khuya, tôi ra mạn tàu nhìn về phía quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng thì bắt gặp Quý đứng trầm tư. Hỏi chuyện mới biết Quý đang lo lắng cho người chị gái mắc bệnh hiểm nghèo. Chị gái của Quý là Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (SN 1985) bị mắc bệnh thoái hóa khớp và ung thư từ đầu năm 2014 đến nay, hiện nằm điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển khiến Quý chưa có điều kiện ra Hà Nội thăm chị.
Với giọng trầm buồn, Quý bảo, em biết chị mình đang hàng ngày chống chọi với những cơn đau khủng khiếp và muốn được gặp để động viên, chăm sóc chị nhưng chưa thể. “Nhiều khi nghĩ đến chị em ứa nước mắt nhưng lúc này nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển là trên hết. Chị của em là người thông minh, vị tha nên chắc cũng hiểu nỗi niềm của em”- Quý bộc bạch. Quý vừa dứt câu thì từ trên đài chỉ huy của tàu có hiệu lệnh. Quý bỏ dở những lời tâm sự với tôi để trở về với con người mạnh mẽ và quyết đoán khi chỉ đạo tác chiến.
Xung kích nơi đầu sóng
Ngoài Thuyền phó Quý, trên tàu KN 628 còn có nhiều cán bộ, nhân viên thuộc thế hệ 9X, mà điểm chung của họ là rất mưu trí và dũng cảm. Một trong những thủy thủ trẻ tuổi nhất để lại cho tôi nhiều ấn tượng là Hoàng Ngọc Sơn (SN 1994). Sơn quê ở Nghệ An, mới về tàu KN 628 được hơn 1 tháng nhưng được anh em trên tàu đánh giá cao.
Gặp tôi, với giọng Nghệ An đặc sệt, Sơn bảo rằng, được góp sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là một vinh dự lớn lao đối với mình. “Vì vậy, dù tàu Trung Quốc có đâm va và phun vòi rồng điên cuồng đến mức nào thì em cũng không sợ. Nếu có hy sinh đi chăng nữa thì em cũng cảm thấy hạnh phúc, bởi sự hy sinh ấy có ý nghĩa”- Sơn nói. Hỏi chuyện người yêu, Sơn bảo mình yêu hơi sớm nhưng tình yêu đã tiếp thêm cho Sơn sức mạnh để vững vàng trong lúc hiểm nguy. Sơn tiết lộ chuyện cưới xin: “Hai đứa em chưa cưới mô, bây giờ phải toàn tâm toàn ý lo nhiệm vụ cái đã. Người yêu cũng nói với em như rứa”.
Trẻ tuổi nhưng luôn xung kích nơi đầu sóng như Sơn còn có Cao Anh Dũng, Phạm Văn Chung, Ngô Thanh Tuấn (cùng SN 1993), Đặng Thái Hòa, Vũ Đức Thắng, Nguyễn Tiến Anh (cùng SN 1991) và nhiều thủy thủ khác. Mỗi người trong số họ là một tấm gương dũng cảm, mưu trí gắn liền với những tình huống gay cấn khi tàu KN 628 đối phó với những ngón đòn hiểm độc của các tàu Trung Quốc.