Chuyện bi hài về BOT độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Chưa bao giờ những tờ tiền lẻ 100 đồng lại “quý hơn cả vàng” ở các trạm thu phí BOT tới vậy trong năm 2017. Biết bao câu chuyện bi hài đã xảy ra xung quanh loại tiền mệnh giá nhỏ vốn hiếm được sử dụng hiện nay. 

Thật vậy, những tờ tiền lẻ loại 100, 200 đồng trong nhiều năm trở lại đây đây ít được sử dụng để thanh toán các mặt hàng. Đơn giản vì giá trị các mặt hàng, thậm chí kể cả những viên kẹo không còn “nhỏ bé” như vậy nữa để chi trả. Thậm chí, tờ tiền 100, 200 đồng chỉ được sử dụng như một hàng hiếm trao cho nhau sự may mắn trong ngày Tết.
Thế nhưng, năm 2017, người ta vô cùng “sốc” khi tờ tiền 100, 200 đồng lại “lên ngôi”, trở nên quý giá tới như vậy. Nó được săn lùng ở nhiều nơi, kinh ngạc hơn, chỉ vì nó mà nhiều trạm thu phí (BOT) rối loạn, tắc nghẽn dẫn tới phải đóng cửa dài hạn.
 Chiêu dùng tiền mệnh giá nhỏ khiến nhiều trạm BOT khốn đốn. Nguồn ảnh: Vietnamnet
BOT khốn khổ vì 100 đồng
Năm 2017 sẽ còn được nhắc nhiều trong năm 2018 và nhiều năm tới nữa khi xảy ra tình trạng cánh tài xế, người dân phản ứng dữ dội các trạm BOT đặt…nhầm chỗ, thu phí quá cao… Điển hình như trường hợp trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT đường tránh Biên Hòa (Đồng Nai), BOT Ninh An (Khánh Hòa)…
Để đối phó, gây khó dễ cho chủ đầu trạm thu phí BOT, cánh tài xế đã nghỉ ra nhiều chiêu trò khó tưởng tượng. Mà một trong những chiêu độc nhất khiến chủ đầu tư phải “bó tay toàn tập” là việc sử dụng tiền lẻ. Những tờ tiền mà từ lâu ai cũng nghĩ chẳng mua được cái gì.
Vì "tiền nào cũng là tiền được phép lưu hành" nên các nhân viên ở trạm thu phí vẫn phải nhận. Việc cánh tài xế rút từng tờ tiền lẻ, hay gửi cả một sấp tiền lẻ thậm chí là cả một cục lớn buộc nhân viên trạm BOT phải đếm khiến thời gian lưu thông lâu, dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng.
Tất nhiên, các chủ đầu tư BOT cũng không vừa khi nhanh chóng huy động tiền lẻ để thối lại cho tài xế. Đến đây, tài xế lại đổi phương pháp “100 đồng” - trả 24.500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng, tổng mệnh giá tiền là 25.100 đồng để mua vé 25.000 đồng qua trạm. Sau đó, yêu cầu nhân viên phải đưa đúng 100 đồng. Việc này làm khó các nhân viên trạm thu phí bởi không thể tìm được 100 đồng để trả lại cho các tài xế.
Rồi thì còn nhiều nữa những chiêu trò "độc, dị" của cánh tài xế khiến chủ đầu tư BOT ngán ngấm. Ví dụ như việc nhiều tài xế vo tròn tiền 200, 500 đồng bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm...
Cúng heo, cá tra trạm BOT
Không chỉ xài chiêu tiền lẻ, các tài xế đi qua trạm thu phí BOT còn bày ra hàng loạt chiêu “độc” người khiến ta phải “cười ra nước mắt”.
 Cũng cá tra trạm BOT. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ
Vẫn là câu chuyện ở BOT Cai lậy, chiều 13 và 14/8/2017, người dân vô cùng bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh các tài xế mang lợn quay vàng ruộm tới cúng trước trạm BOT. Chiêu này lặp lại vào chiều 1/12 khi BOT Cai Lậy mở lại thu phí sau hơn 3 tháng đóng cửa hoàn toàn.
Cảnh các tài xế mang heo quay đến trạm BOT Cai Lậy, thắp nhanh cúng bái không chỉ khiến dư luận tò mò mà còn khiến chủ đầu tư đau đầu với việc ùn tắc kéo dài dẫn tới xả trạm.
Không biết có phải học theo BOT Cai Lậy hay không. Tuy nhiên, ngày 5/10/2017, người dân cũng mang đồ đến trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (Trảng Bom, Đồng Nai) để thắp nhanh cúng bái. Tuy nhiên, thay vì dùng lợn quay, người dân nơi này đã mang một con...cá tra.
Mua vé thiếu tiền, lau kính giữa trạm
Thậm chí, nhiều tài xế còn mang bộ mặt “dày cả mét” lái xe xông thẳng vào trạm trả không đủ tiền rồi mở cửa xe ra ngoài đứng tranh cãi với nhân viên thu phí BOT.
Ví dụ, ngày 1/12/2017, một tài xế khi điều khiển xe qua BOT Ninh An (QL1, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã không trả đủ tiền (vé 35.000 đồng/ lượt chỉ trả 15.000 đồng) gây cảnh cãi vã, ách tắc tại đây.
 Xịt nước lau kính giữa trạm thu phí. Nguồn ảnh: Zing
"Tôi là người địa phương thuộc phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa) chạy mướn ôtô cho dịch vụ, tư nhân. Mỗi ngày kiếm được 500.000 đồng, qua BOT này ít nhất 4 lần/ngày, mất 140.000 đồng. Tiền xăng 250.000 đồng. Rồi tiền ăn uống, hư hỏng xe... Thử hỏi còn lại bao nhiêu. Xe đường ngắn mà thu giá phí như xe đường dài là không hợp lý", tài xế tên Long phân trần.
Hay tài xế còn dừng xe tại trạm BOT rồi leo lên đầu xe để lau kính khi đợi nhân viên trả tiền, bắt bẻ nhân viên về vé trạm, cho xe án ngữ tại làn thu phí khiến các phương tiện phía sau ùn ứ, gây ách tắc giao thông buộc phải xả trạm…
Đến thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018, tình hình giao thông qua các trạm BOT tạm yên ắng trở lại. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tình trạng này sẽ bùng phát sau Tết khi nhu cầu di chuyển tăng cao.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)