Chủ tiệm tạp hóa chém nam sinh trộm đồ, bị khởi tố tội “giết người” có đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Chủ tiệm tạp hóa chém nam thanh niên trộm đồ, gây thương tích đến 61%. Cơ quan điều tra khởi tố chủ tiệm tạp hóa tội “Giết người” có đúng?

Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) vừa thay đổi tội danh từ "Cố ý gây thương tích" sang tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự đối với Lê Minh Phương (trú tại phường Tây Tựu) - chủ tiệm tạp hóa chém nam sinh trộm đồ (Nguyễn Đăng Tùng - 15 tuổi, trú cùng địa phương) gây thương tích 61%.
Vụ việc gây nhiều tranh luận về tính pháp lý trong đó, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi việc khởi tố tội “Giết người” với Lê Minh Phương có chính xác khi nạn nhân là kẻ trộm đột nhập trái phép vào tiệm tạp hóa lúc nửa đêm?
 Đối tượng Lê Minh Phương tại cơ quan điều tra. Ảnh: CAND.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, tính mạng con người là điều cao quý nhất của cuộc đời. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết.
“Xét hành vi của Lê Minh Phương đã sử dụng hung khí chém liên tiếp nhiều nhát vào cháu Tùng, trong đó có vào vùng trọng yếu (đầu) gây thương tích với tỷ lệ thương tật 61 % đã gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu Tùng được pháp luật bảo vệ”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, khi xem xét hành vi phạm tội của Lê Minh Phương cũng cần thiết đánh giá nguyên nhân điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, lỗi của người bị hại trong vụ án này để xử lý tương ứng với hành vi gây thương tích cho cháu Tùng theo quy định của các nhóm tội liên quan đến tính mạng, sức khỏe được quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự 1999.
Để phân tích vụ án trên, luật sư Thơm dẫn giải một số quy định của pháp luật như Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân. Điều 22 quy định “ Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Điều 32 quy định “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Từ đó, luật sư Thơm nhìn nhân, về mặt khách quan của tội phạm, hành vi dùng hung khí tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đã có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS. Trường hợp nạn nhân không chết vẫn phải chịu trách nhiệm phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, xét hành vi phạm tội của Lê Minh Phương khi thực hiện hành vi giết người trong hoàn cảnh người bị hại đã có lỗi - thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào buổi đêm.
 Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
“Hành vi đột nhập vào tiệm tạp hóa lúc nửa đêm của nạn nhân đã gây sự bức xúc rất lớn, dẫn đến việc Phương không kiềm chế được bản thân do bị kích động tâm lý đã sử dụng hung khí chém nạn nhân gây thương tích. Việc chém này nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm gia cư và bảo vệ tài sản. Hành vi của Phương có dấu hiệu phạm Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 95 BLHS là có căn cứ, đúng với bản chất hành vi và hậu quả gây ra”, Luật sư Thơm cho hay.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng đã đưa ra, cơ sở pháp lý xác định Lê Minh Phương phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được dựa trên những căn cứ:
- Thứ nhất, Lê Minh Phương thực hiện hành vi giết người là do bị kích động mạnh về tinh thần được hiểu là khi không còn nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Nghĩa là lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần họ trở lại bình thường như trước. Trong vụ án này, Lê Minh Phương đã nhiều lần bị mất trộm tài sản nên đã bị ức chế về tâm lý.
- Thứ hai, người bị hại đã có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng như xâm phạm chỗ ở của gia chủ và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Do vậy, hành vi trái pháp luật của người bị hại là nguyên nhân Lê Minh Phương bị kích động mạnh về tinh thần.
“Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân với tinh thần bị kích động mạnh của Lê Minh Phương là có quan hệ tất yếu. Có hành vi trái pháp luật của Bị hại mới có việc Lê Minh Phương có hành vi gây ra chém gây thương tích.
Khi bị hại đột nhập vào nhà ban đêm vừa gây lo lắng, sợ hãi trước sự tấn công lại của người ăn trộm và vừa bất bình nên việc dùng hung khí chém kẻ trộm là do bị kích động mạnh về tinh thần.Thực tế đã nhiều vụ án đã xảy ra, kẻ trộm đột nhập vào nhà khi bị phát hiện đã giết chết gia chủ và những người trong gia đình”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho việc sử dụng vũ lực đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện người có hành vi phạm tội quả tang thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ và áp giải ngay đến Cơ quan pháp luật hoặc thông báo ngay cho Cơ quan Pháp luật bắt giữ theo quy định. Nếu người phạm tội quả tang chống lại thì mới có quyền phòng vệ chính đáng. Khi sử dụng vũ lực phải trong trường cần thiết và tương xứng để chống lại.
Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Tóm tắt vụ án hi hữu trên:
Vào khoảng 0h hơn ngày 23/11, tại tiệm tạp hóa của Lê Minh Phương tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phát hiện Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002) nằm với nhiều thương tích ở vùng đầu và tay trong tình trạng lơ mơ thiếu tỉnh táo. Trước đó, Tùng đột nhập vào tiệm tạp hóa trên với mục đích trộm cắp tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Lê Minh Phương là người dùng hung khí chém Tùng gây thương tích trên. Tại cơ quan công an, Phương khai nhận do trước đây đã nhiều lần bị mất trộm nên khá bức xúc. Vì thế, khi thấy một bóng đen lẻn vào nhà lúc nửa đêm, Phương nghĩ là trộm nên rất bực tức, sẵn có kiếm trong nhà đã chém loạn xạ vào người đó, không biết chém vào đâu. Chỉ đến khi cậu thiếu niên ngã xuống, máu chảy ra, Phương mới dừng lại. Khi Phương hỏi cậu thanh niên là ai, ở đâu đến thì mới hay cậu thiếu niên là người cùng địa phương.
Kết quả giám định pháp y nêu rõ, cháu Nguyễn Đăng Tùng bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, tạm thời đánh giá tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 61%.
Căn cứ vào thương tổn của cháu Tùng và hành vi của Lê Minh Phương, VKSND cùng cấp đã đồng ý với quan điểm của Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm, thay đổi tội danh từ "Cố ý gây thương tích" sang tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)