Cùng dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Bày tỏ vinh dự, tự hào được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng đã luôn nỗ lực hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được Đảng giao phó. Đồng chí vinh dự được nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn được Người động viên, chỉ dẫn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, huy hiệu 75 năm tuổi Đảng trao tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân về những công lao đóng góp của đồng chí đối với Tổ quốc. Quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để thế hệ Đảng viên trẻ học tập, noi theo.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho bà Nguyễn Thị Bình. (Ảnh: TTXVN)
|
Trên cương vị trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, đồng chí Nguyễn Thị Bình đã có những đóng góp quan trọng trong việc ký kết Hiệp định Paris (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao của nước ta ở thế kỷ XX. Đặc biệt, năm 1997, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có đóng góp lớn trong chủ trì và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp - là Hội nghị quốc tế đầu tiên Việt Nam đăng cai, mở ra kỷ nguyên mới về nền ngoại giao đa phương.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có tên khai sinh là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Năm 1944, khi mới 17 tuổi, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên, phong trào phụ nữ và phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình của giới trí thức. Năm 1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Bình đã được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1975), Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1969 - 1973); Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976 - 1987).
Từ năm 1992 đến năm 2002, đồng chí là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2003, đồng chí thành lập Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và làm Chủ tịch của tổ chức này cho đến nay. Ngoài ra, đồng chí là Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.