Chủ tịch Cty điện gió ở Quảng Trị “đánh tráo” người cách ly Covid-19? Nếu thật... xử thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin báo chí đăng tải về vụ việc Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió “đánh tráo” người cách ly Covid-19 đang thu hút sự chú ý từ dư luận, mặc dù mới đây, Bí thư tỉnh Quảng Trị đã phủ nhận thông tin trên.

Dư luận tỉnh Quảng Trị và cả nước đang xôn xao trước sự việc Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió khi bị yêu cầu cách ly để theo dõi dịch Covid-19 đã để nhân viên đi thay.
Trước đó, 4 người thuộc một Công ty Điện gió đến lưu trú, làm việc tại địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) gồm: N.T.L, N.B.S, N.M.Đ, L.T.H (cùng trú tại Hà Nội).
Đây là những trường hợp đi cùng với người nhiễm Covid-19 trên chuyến bay từ Hà Nội vào Huế (chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 30). Sau khi xuống sân bay Phú Bài, những người này thuê xe riêng và di chuyển từ Huế ra thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vào tối 6/3.
Trong đêm 8/3/2020, sau khi có thông tin về 4 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang lưu trú tại huyện Hướng Hóa, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã tìm kiếm và đưa 4 người về địa điểm theo dõi, cách ly và điều trị của tỉnh tại Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh này.
Tuy nhiên, ngày 9/3, hàng loạt tờ báo đăng tải thông tin về vụ việc Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió khi bị yêu cầu cách ly để theo dõi dịch Covid-19 đã để nhân viên đi thay.
Chu tich Cty dien gio o Quang Tri “danh trao” nguoi cach ly Covid-19? Neu that... xu the nao?
Cơ quan chức năng Quảng Trị đến đưa bốn người của công ty điện gió ở Hướng Hóa đi cách ly trong đêm. Ảnh: Zing. 
Tờ Zing dẫn lời ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm phổi Covid-19 tỉnh này xác nhận 1 trong 4 trường hợp cách ly sau khi đi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Huế có bệnh nhân Covid-19 đã bị đánh tráo. Người tự ý đánh tráo là ông L.T.H., Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa.
Khi được yêu cầu thực hiện cách ly, người này đã cho nhân viên cách ly thay mình. Đến khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi, người đàn ông này mới tự nguyện ra trình diện và cách ly.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho biết, ông H. bị phát hiện không trung thực và đã tự nguyện ra trình diện, cách ly cùng 4 người khác vào sáng 9/3. Đồng thời đánh giá, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, tờ Tri Thức Trẻ dẫn lời Bí thư tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng lại phủ nhận thông tin một Chủ tịch Công ty điện gió đưa nhân viên đi cách ly thay.
“Tôi được biết không có ai làm như vậy. Làm gì có chuyện tráo người cách ly. Họ nói vậy nhưng không phải đâu. Lúc đầu có nhầm lẫn nào đó. Ông giám đốc đó đi về vẫn cách ly với 4 người đó mà", ông Hùng nói và cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn thông tin lại chính xác đến báo chí.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió khi bị yêu cầu cách ly để theo dõi dịch Covid-19 đã để nhân viên đi thay là chính xác thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, qua thông tin ban đầu thì ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, xác nhận 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cách ly khi đi trên chuyến bay VN1547 (có người nhiễm Covid-19), lưu trú tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đã bị "đánh tráo". Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, rất đáng lên án, không chỉ ở khía cạnh đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Dưới góc độ đạo đức, hành vi này đáng lên án bởi lẽ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đang tập trung nỗ lực để phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, việc một cá nhân cố tình trốn tránh cách ly cũng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phòng chống bệnh dịch của Nhà nước. Bởi nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho người khác dẫn đến hậu quả khôn lường.
Do vậy, đây là hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng của mình, của gia đình và của cộng đồng.
Dưới góc độ pháp luật là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm. Cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Luật cũng nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
“Việc cố tình trốn cách ly bằng thủ đoạn “đánh tráo” người cần cách ly mà cụ thể hiện nay là liên quan bệnh dịch COVID19 (thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm) là hành vi cần được xử lý nghiêm. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, về xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Ngoài ra điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ cũng quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Chu tich Cty dien gio o Quang Tri “danh trao” nguoi cach ly Covid-19? Neu that... xu the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cho rằng, hành vi trốn tránh cách ly mà gây hậu quả nghiêm trọng, người trốn tránh mắc bệnh và lây bệnh cho công đồng (với lỗi cố ý) thì có căn cứ xử lý hình sự về tội làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, Điều 240 BLHS 2015 quy định về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người khác là các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người nhiễm bệnh.... từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh.
Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn tránh cách ly, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có thể đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, nếu người trốn tránh cách ly mà nhiễm bệnh covid-19, biết việc trốn tránh cách ly có thể làm lây lan dịch bệnh nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả bệnh dịch truyền nhiễm có thể xảy ra và có thể lây sang người khác thì người trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 bộ luật hình sự năm 2015 với mức xử phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Đối với người chấp nhận thay thế người khác để thực hiện thủ tục cách ly, Luật sư Cường đánh giá, là hành vi hết sức nguy hiểm.
Người này hoàn toàn có thể lây nhiễm chéo từ những người khác và sau đó có thể nguy cơ lây lan sang những người thân, người khác sau thời điểm kết thúc cách ly: Ví dụ khi vào khu cách ly, (nơi có nguy cơ nhiễm bệnh, nơi có thể có mầm bệnh...) thì vài ngày sau người này mới bị nhiễm virut, đang thời kỳ ủ bệnh, khi đó đã hết thời gian cách ly và người này được trở về nhà, khi đó người này có thể mang mầm bệnh và lây bệnh cho người khác.
Bởi vậy, nếu sau thời điểm cách ly, người này mắc bệnh và làm lây truyền bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nếu người được thay thế bị nhiễm bệnh và lây lan dịch bệnh cho người khác thì người cách ly thay cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người được thay thế về tội danh theo điều 240 bộ luật hình sự.
Còn trường hợp cả hai người sau thời điểm cách ly đều không nhiễm bệnh, không lây truyền dịch bệnh cho người khác thì cả hai người này đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 10, Nghị định 176 về hành vi trốn tránh cách ly và hành vi khai báo gian dối về dịch bệnh với mức xử phạt đến 10.000.000 đồng...
Tuy nhiên về mặt đạo đức, dù không gây hậu quả nghiêm trọng, không làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như covid-19 thì hành vi này cũng rất đáng lên án. Nếu nhiều hành vi như thế này diễn ra thì xã hội sẽ loạn, không thể kiểm soát được dịch bệnh bởi vậy đây là hành vi hết sức nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như thế này. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật ...
>>> Xem thêm video: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phỏng vấn về trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 17
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)