Chờ đợi những chủ trương, chính sách mới về đất đai từ Hội nghị Trung ương 5

Google News

Từ những chủ trương mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai...

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII đang diễn ra là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Trong thời kỳ Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai.

Cho doi nhung chu truong, chinh sach moi ve dat dai tu Hoi nghi Trung uong 5

Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Nhật Bắc

Nhiều đạo luật có liên quan đến đất đai đã được ra đời như: Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật khoáng sản, Luật Kinh doanh Bất động sản… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về nhận thức về sở hữu toàn dân về đất đai; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản…

Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục xem xét, thảo luận và thông qua những vấn đề đã rõ ràng, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh và cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Cụ thể là trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 có những điều gì đã được thể chế hóa, có vấn đề gì chưa, làm rõ những thành công cũng như tồn tại và hạn chế của công tác này.

Ngoài ra, đối với những vấn đề mới, nhiều quan điểm trong xã hội chưa thống nhất cần nghiêm túc nhìn nhận và tiếp tục nghiên cứu. Có thể nhận thấy rằng vấn đề về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta hiện nay vẫn đang là quá trình “vừa làm vừa khảo nghiệm” trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã vạch ra.

Tất cả những chủ trương, cơ chế, chính sách về đất đai phải bám sát định hướng và chỉ dẫn trong Cương lĩnh Chính trị, Hiến pháp và Nghị quyết Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Như vậy, có thể thấy bên cạnh những mặt tích cực về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai thì vẫn tồn tại hạn chế nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, thực thi các quy định pháp lý.

Không ít cán bộ, quan chức “ngã ngựa” và các tổ chức, nhóm lợi ích rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến sai phạm đất đai. Về mặt xã hội nhiều người dân vì đất đai mà sinh mâu thuẫn, tranh chấp khiến tình cảm cha - con, anh – em, họ hàng rạn nứt, thậm chí tù tội. Thêm vào đó một số điểm nóng xã hội, các vụ khiếu kiện tập thể, các lá đơn tố cáo…có tỉ lệ gần 80% các vụ việc liên quan đến đất đai mà nhà nước phải xử lí, giải quyết.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên ngay từ sớm Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Điều hành các công việc của Ban gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị (Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh). Sau khi thành lập Ban đã tiến hành nhiều hội thảo, hội nghị với Đảng Đoàn Quốc Hội, Chính Phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương và 63 Đảng ủy các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học….

Tính đến ngày 12/04/2022 Ban chỉ đạo đã 15 lần dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XI về vấn đề đất đai…. Đặc biệt trong quá trình đó Bộ Chính trị đã 2 lần cho ý kiến về dự thảo báo cáo này. Phân tích như vậy để thấy rằng đây là vấn đề lớn được tiến hành công phu, nghiêm túc, và thận trọng của Ban dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ đưa ra những quyết sách mới về đất đai. Vấn đề đất đai sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới như Tổng Bí thư đã gợi mở khi phát biểu khai mạc hội nghị.

Quyết định của Trung ương sẽ là định hướng chính trị quan trọng, là chỉ dẫn kịp thời và là tiền đề cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 (vốn dĩ đã bị lùi 4 lần) vào cuối năm nay.

Việc xem xét, thảo luận và thông qua các Nghị quyết tại các Hội nghị Trung ương là rất quan trọng. Đặc biệt đối với các Nghị quyết về đất đai thì càng thấy được tính hệ trọng của nó. Thực hiện tốt điều này phản ánh năng lực lãnh đạo của Đảng cũng như khả năng bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của Đảng.

Từ những chủ trương mới của Đảng về đất đai sẽ được Quốc hội, Chính phủ thể chế hoá bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất” như Tổng Bí thư nói.


Theo TS Cù Văn Trung/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)