|
Xử lý sự cố. Ảnh: Nguyễn Thành |
“Nhồi” vật liệu không đảm bảo
Tại Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty VEC làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra nhiều hư hỏng, xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Cụ thể, phần lớn các gói thầu (PK1, PK2, PK3B, PK5…) đã xuất hiện các vết nứt ở lớp CTB (lớp đá gia cố xi măng) và nứt trên lớp bê tông nhựa. Theo số liệu được báo cáo thì có khoảng 8 vết nứt dọc, 862 vết nứt ngang… Một số gói thầu có hiện tượng chưa đảm bảo yêu cầu về chiều dày, chia lớp đá cấp phối gia cố nhựa không rõ ràng; Một số cầu trên tuyến có hiện tượng nứt vỡ tại ụ chống xô, khe co giãn, lan can.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng là sử dụng vật liệu không đảm bảo, vật liệu không rõ nguồn gốc, vật liệu từ mỏ chưa được chấp thuận.
Tại gói thầu A1, nhà thầu thi công sử dụng vật liệu đất đắp, thi công đắp đất trước khi có sự chấp thuận về nguồn vật liệu. Tại hồ sơ một số hạng mục được thanh toán khi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật; Hồ sơ nghiệm thu bị tẩy xóa thời gian kiểm tra, phiếu theo dõi, cao độ… Cty CPĐT TCV (thầu phụ của Cty CPXD số 1 Việt Hưng) bán vật liệu cho nhà thầu nhưng chưa cung cấp hồ sơ nguồn đất.
Gói thầu A2 thiếu nhật ký thi công, thiếu biên bản lấy mẫu thí nghiệm cường độ bê tông xi măng. Một số hạng mục được thanh toán khi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật; Biên bản hiện trường xác nhận địa chất hố móng không có xác nhận của kỹ sư kết cấu; sử dụng chưa đúng thiết kế cấp phối bê tông dầm cho cầu; Thiết kế cấp phối ghi nguồn cát tại Tịnh Sơn, hồ sơ ghi nguồn cát là Trà Khúc. Cty CP Hoàng An mua đá loại 2, nhập đá thi công đắp trả vật liệu dạng hạt của Cty TNHH Toàn Thắng (Quảng Nam) và Cty TNHH kinh doanh Phát Lộc chưa cung cấp hồ sơ nguồn đất.
Thậm chí tại gói thầu A3, nhà thầu Giang Tô báo cáo xuất 574.340m3 đất vào thi công mua của Cty TNHH Thiện Phát. Tuy nhiên, Cty này lại đang khai thác từ mỏ mà đơn vị tư vấn giám sát đã thí nghiệm kiểm tra không đạt chất lượng, không phê duyệt mỏ.
Gói thầu A4: Đoạn km111+100- Km111+800 các phiếu thí nghiệm đá đắp nền không có các chỉ tiêu đảm bảo kích thước chỉ dẫn kỹ thuật.
Tại gói thầu A5, tư vấn cho phép thay đổi biện pháp đắp nền từ đắp đất sang đắp cát nền đường, thay đổi vật liệu chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư. Ngoài ra, đơn vị bán vật liệu cho các nhà thầu chưa cung cấp được hồ sơ chứng minh nguồn vật liệu. Cty CP Đầu tư 706 được phép khai thác 185.765m3 đất tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, Cty này đã xuất bán hơn 230.000m2 đất. Như vậy, Cty 706 chưa cung cấp được hồ sơ chứng minh khối lượng đất ngoài trữ lượng được lấy từ đâu để cung cấp cho các nhà thầu.
Một đơn vị khác cùng gói thầu này là Cty TM&DV Đại Nguyên vừa thi công, vừa bán đất cho các nhà thầu khác. Cty này nhập mua ngoài 364.000 m3 đất của các đơn vị khác nhưng hơn một nửa trong số đó không rõ nguồn gốc đất, không có hồ sơ đất chứng minh là đất loại nào, mua từ mỏ nào.
Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu VEC, Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo tư vấn kiểm định chất lượng tập trung lưu ý kiểm tra, đánh giá các hạng mục công việc sử dụng vật liệu không rõ nguồn gốc, các đơn vị nhà thầu chưa xuất trình nguồn gốc, báo cáo nhập xuất vật tư còn thiếu vào công trình.
Rà soát năng lực, kinh nghiệm, tình hình thực hiện dự án của các nhà thầu phụ, quyết đưa ra khỏi Dự án đối với những nhà thầu phụ không đáp ứng đủ năng lực yêu cầu của Dự án.
“Ma trận” các nhà thầu con, cháu
Về việc các nhà thầu chính “bán cái” gói thầu để hưởng chênh lệch, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ: “Trường hợp nhà thầu phụ được chủ đầu tư chấp thuận, nhà thầu chính phải đảm bảo rằng đơn giá của nhà thầu phụ tối thiểu bằng 95% đơn giá giữa nhà thầu và chủ đầu tư”. Tuy nhiên, một số nhà thầu chính khi giao cho thầu phụ không đúng theo quy định.
Cụ thể gói thầu PK1: Cienco 5 giao 1 đơn vị thành viên thực hiện thiết kế bản vẽ thi công, 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 9 nhà thầu phụ thực hiện thi công với giá chào thầu khoảng 93% giá trúng thầu đối với phần xây lắp; Cienco1 giao 5 đơn vị thực hiện phần xây lắp với đơn giá giao thầu khoảng 93,5% giá trúng thầu.
Gói thầu PK4, Tổng Cty sông Đà giao cho 3 đơn vị thực hiện thi công xây lắp với đơn giá bao thầu (bao gồm VAT và dự phòng 15%) tương đương 95% đơn giá trúng thầu.
Một số gói thầu sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, các nhà thầu ký hợp đồng với các nhà thầu phụ nhưng chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư như: Cienco 6 ký hợp đồng với Cty CP Đầu tư- Xây dựng Tân An tại gói thầu PK2; Cienco 6 ký phụ lục hợp đồng số 02 với Cty TNHH TM&XD Trung Chính…
Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, một số nhà thầu giao nhiệm vụ thi công, giao khoán thi công cho các đơn vị phụ thuộc không đăng ký trong hồ sơ dự thầu, không báo có cho chủ đầu tư. Tại gói thầu PK1: Cienco1 giao khoán thi công cho Cty xây dựng 123, Xí nghiệp cầu 18; Gói thầu PK2: Cienco 6 giao khoán thi công cho Chi nhánh TCTXD CTGT 6 - Cty CP tại Đà Nẵng, Cty Xây dựng công trình số 2, Xí nghiệp thi công cơ giới 630, Xí nghiệp thi công cầu 6.
“Vẽ” thêm đường bòn rút dự án
Thanh tra Bộ GTVT khẳng định: “Công tác khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp nền đường và bãi đổ thải tại các gói thầu không đầy đủ. Dẫn đến dự toán duyệt tính với cự ly vận chuyển chưa phù hợp với thực tế thi công”. Nhiều gói thầu cự ly tính toán 10km nhưng thực tế chỉ có 3km. Mặc dù đã “ăn gian” quãng đường gấp 3-4 lần thực tế nhưng qua thanh kiểm tra một số bãi đổ thải không có khối lượng đất thải hoặc khối lượng đất thải có tại bãi rất ít. Có hiện tượng nhà thầu đổ vào bãi thải không được cấp phép hoặc đất thải vẫn nằm dọc hai bên tuyến.
Gói thầu 1.394 tỷ đồng bán 597 tỷ đồng?
Ðơn vị thực hiện gói thầu A5 là Cty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) không trực tiếp thực hiện mà bán toàn bộ gói thầu này để hưởng chênh lệch. Việc bán thầu diễn ra khi chưa được phê chuẩn của chủ đầu tư và Bộ GTVT. Sự việc đã được phát hiện từ lâu nhưng không xử lý triệt để.
Cụ thể, Posco được Bộ Xây dựng cấp phép nhận làm nhà thầu chính ngày 19/8/2014. Ngày 16/7/2014, VEC ký hợp đồng với Posco thực hiện gói thầu xây lắp số A5 (trị giá 1.394 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Posco không thi công mà ký các hợp đồng giá trị hơn 597 tỷ đồng với các nhà thầu phụ: Liên danh Thiên An và Vinaconex. Sau khi liên danh này thi công hạng mục khoan cọc nhồi tại 3 cầu thì Posco có văn bản yêu cầu dừng thi công do liên doanh không đủ năng lực.
Trước sự cố này, Posco tiếp tục chia nhỏ nhiều hạng mục, ký hợp đồng giao cho 16 doanh nghiệp như Cty Xây dựng đầu tư hạ tầng INCICO, Cty CP Xây dựng 75-Cienco8, Cty Xây dựng nền móng Sông Ðà Thăng Long miền Nam, Cty CP Cơ giới và Xây lắp số 9, Cty CP Ðầu tư xây dựng B.M.T, Cty CP Sở hữu Thiên Tân)…
Thanh tra Bộ GTVT nêu rõ nhiều vi phạm tại dự án như hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công gói thầu A5 như thiết kế hạng mục xử lý nền... đều có sai phạm.