Sáng 4-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng" mà 32 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra như: tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hàng giả hàng nhái chào bán công khai trên mạng xã hội (MXH); việc quản lý thông tin xấu, độc hại trên môi trường mạng; tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân...
Người dân dễ dãi cung cấp thông tin
ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) nêu thực trạng gần đây, nhiều người dân nhận được cuộc gọi thông báo mình vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt, nếu không sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố. Vấn đề này đang gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân. "Vì sao những kẻ xấu lại biết tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân?" - ĐB chất vấn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về nguyên nhân kỹ thuật, có một số tổ chức, doanh nghiệp (DN), thu thập thông tin cá nhân chưa bảo đảm an toàn, bị hacker tấn công, lấy cắp dữ liệu. Về nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin, chưa coi đây là tài sản để bảo vệ; một số DN quản lý nội bộ kém, để nhân viên lấy thông tin bán ra bên ngoài.
Về biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói Bộ TT-TT đã ban hành bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó hướng dẫn cách để người dân bảo vệ thông tin của mình; xây dựng cơ sở dữ liệu chống lộ, lọt thông tin thông qua các DN, tổ chức quốc tế. Một giải pháp khác rất quan trọng là yêu cầu các cơ quan nhà nước, DN có chăm sóc khách hàng làm việc với nhà mạng chỉ để hiện tên, không hiện số điện thoại. Làm như vậy, khi hiện tên, người dân sẽ tin, còn khi hiện số điện thoại lạ, người dân sẽ nghi ngờ đó là các cuộc gọi lừa đảo, để phân biệt cuộc gọi của một tổ chức có trách nhiệm với một cuộc gọi lừa đảo. Bộ TT-TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân để răn đe. Trong năm 2023, Bộ TT-TT cũng sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Trả lời ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phản ánh việc người dân bị "khủng bố" qua điện thoại, trong đó có cả tin nhắn, thậm chí điện thoại trực tiếp để đòi nợ thuê hoặc quảng cáo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT-TT đã công bố số điện thoại làm đầu mối (tổng đài 156) để người dân phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Với tổng đài này, phản ánh của người dân sẽ được chuyển nhà mạng hoặc công an xử lý. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là giải pháp công nghệ. Đến nay, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ để chặn các cuộc gọi rác và mỗi tháng chặn 30.000 - 40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác, trong đó có đe dọa.
Trả lời chất vấn của ĐB Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) - bày tỏ lo ngại việc lộ, lọt thông tin trong quá trình thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng nghị định, tiến tới xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Ngăn chặn livestream, quảng cáo sai sự thật
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng thực sự là khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng 1 người Việt Nam có gần 4 tài khoản trên MXH, đây là con số cao. "Không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian này lành mạnh. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng. Bởi nếu chỉ có Bộ TT-TT và Bộ Công an - 2 lực lượng chính, thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng" - Bộ trưởng nói.
Trả lời ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) về chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong công tác quản lý nhà nước, Bộ TT-TT luôn quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, coi đây là ưu tiên số một. Tuy nhiên, còn một số trường hợp thể chế đi sau, như vụ việc liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật về quản lý hành vi livestream trên MXH. Chính vì vậy, Bộ TT-TT đã rà soát để sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Qua đó bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên MXH.
Bộ trưởng TT-TT cũng thừa nhận nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán công khai hay tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên MXH mà ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai), ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ra. Theo ông, đây là thuật toán lựa chọn đối tượng của nền tảng và rất khó để cơ quan quản lý phát hiện vì "quảng cáo người A nhìn thấy nhưng người B không nhìn thấy". Ngoài ra, việc báo cáo cơ quan chức năng cũng khó khăn khi người dân không lưu lại được bằng chứng. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị người dân khi nhìn thấy quảng cáo này hãy chụp ảnh màn hình để gửi đến cơ quan chức năng của Bộ TT-TT xử lý.
Hôm nay, 5-11, QH sẽ chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về lĩnh vực thanh tra; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Kết thúc phiên chất vấn; Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số
Trả lời ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về giải pháp thúc đẩy xây dựng nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã xác định trong chiến lược nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Vì vậy, Bộ TT-TT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số. "Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu không làm chủ các nền tảng số, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dữ liệu sẽ bị thu thập" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.