Chiều 7/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết từ 1/7 đến nay, chỉ trong vài ngày, Bộ đã phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện Nghị quyết 68, nhằm sớm đưa chính sách vào đời sống.
"Nếu đơn thuần, công việc này phải mất hàng tháng nhưng chỉ trong mấy ngày nay, chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, hoàn thiện được bước tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, tranh thủ tham khảo thêm ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội, tranh thủ hoàn thiện và sớm đưa chính sách này vào cuộc sống", ông Dung nói.
Điểm mới của gói hỗ trợ 26.000 tỷ
Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, mục tiêu của gói chính sách 26.000 tỷ là cắt giảm tối đa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian để người lao động và người sử dụng tiếp cận nhanh chóng, nhưng đúng luật.
"Đây là gói chính sách táo bạo, đột phá và đặt mục đích cao nhất là vì lợi ích chung của người lao động và người sử dụng lao động", ông Dung nói.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỷ có nhiều điểm mới so với các gói chính sách trong đợt dịch trước.
Trong đó, điều kiện được hỗ trợ có 3 điểm thay đổi: Giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
|
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhận định gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có nhiều điểm mới, đột phá về cơ chế, thủ tục. Ảnh: Mỹ Hà.
|
Phân tích thêm những điểm mới, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết chính sách mới giảm tối đa các thủ tục hành chính. Sau quyết định ban hành Nghị quyết 68, không cần thêm hướng dẫn nào về việc triển khai gói hỗ trợ này vì "các thủ tục đã thông thoáng một cách không thể thông thoáng hơn".
Ngoài ra, chính sách mới tiết kiệm thời gian, giảm thời gian hỗ trợ từ 1 tháng 10 ngày xuống còn tối đa 7 ngày, trong đó 4 ngày giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân vay cấp vốn. Trong khi đó, thủ tục vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ được giải quyết trong 10 ngày, thay vì 12 ngày như trước đây.
Nghị quyết 68 còn bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với trường hợp F0 và F1.
Ngoài ra, chính sách mới quy định hỗ trợ với những đối tượng như đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch.
Với lao động tự do, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng nơi để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động.
"Hỗ trợ sớm giờ nào tốt giờ đó"
Trong quyết định được ban hành, Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ với từng đối tượng và quy định điều kiện hưởng hỗ trợ.
Cụ thể, với người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương, dừng hoạt động để chống dịch từ 15 ngày đến dưới 1 tháng sẽ được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người. Nếu nghỉ trên 1 tháng, người dân sẽ nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người.
Chậm nhất sau 7 ngày nhận hồ sơ (từ cấp cơ sở, lên đến huyện, tỉnh), UBND cấp tỉnh phải ra quyết định và chỉ đạo chi trả hỗ trợ ngay cho người lao động.
Người lao động phải ngừng việc vì cách ly y tế hoặc ở trong khu vực bị phong toả thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ.
|
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được đánh giá là rút ngắn thời gian và tinh gọn thủ tục để người lao động sớm nhận được tiền hỗ trợ. Ảnh: Việt Linh.
|
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người.
Trẻ em dưới 16 tuổi và người đang phải điều trị Covid-19 hoặc người phải cách ly y tế sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Diện F1 được hỗ trợ tiền ăn không quá 21 ngày, diện F0 được hỗ trợ tiền ăn không quá 45 ngày.
Riêng trẻ em trong thời gian điều trị Covid-19 được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đặc biệt là lao động tự do. Do đó, ông nhấn mạnh tinh thần "cơ quan, địa phương đơn vị nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân; để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân".
Ông Dung nhận định dịch bệnh còn kéo dài và gây ra ảnh hưởng sâu rộng với người lao động, nhất là với người lao động trong lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải, hàng không, nhà hàng, khách sạn… và khẳng định "hỗ trợ sớm giờ nào thì tốt giờ đó".
"Từ ngày mai (8/7), người dân có thể tiếp cận gói hỗ trợ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.