Ngày 9/9, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với phòng trọng án, cục Cảnh sát hình sự; phòng cảnh sát hình sự và công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã đột kích, bắt giữ đối tượng Đặng Trung Kiên (47 tuổi, ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) tại số nhà 208 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Đặng Trung Kiên bị Công an thị xã Từ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối về hành vi hành hạ con; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy. Người tình của Kiên là Lê Thị Nương (sinh năm 1984, ở thôn Nam Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị khởi tố, tạm giam về tội “Chống người thi hành công vụ” (theo Điều 330 Bộ luật hình sự).
|
Đối tượng Đặng Trung Kiên. |
Trước đó, ngày 5/9, tại khu phố Tân Lập (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Công an tỉnh Bắc Ninh) đã giải cứu thành công bé gái Vũ Đặng Ngọc A., 6 tuổi bị bố đẻ là Đặng Trung Kiên bạo hành với nhiều thương tích trên người; thu giữ tại nhà và trên xe ô tô của Kiên 1 khẩu súng K59 đã lên nòng, nhiều viên đạn, kiếm, dao và 1015g ma túy tổng hợp. Đặng Trung Kiên là đối tượng có nhiều tiền án và có quan hệ phức tạp với các đối tượng hoạt động về ma túy.
Phạm 3 tội danh, đối mặt hàng chục năm tù
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực, tấn công đánh đập, hành hạ chính con đẻ của mình đến gãy tay của đối tượng Đặng Trung Kiên có thể do mâu thuẫn với mẹ cháu bé, cũng có thể do đối tượng này bị ảo giác do sử dụng trái phép chất ma túy hoặc do vấn đề bệnh lý, nhận thức lệch lạc về lối sống hoặc bản tính lưu manh côn đồ.
Với hành vi của Kiên, việc Cơ quan CSĐT Công an Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam về 3 tội: “Hành hạ con đẻ” (theo điều 185 Bộ luật hình sự 2015); “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” (Điều 304) và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249) là có căn cứ. Đồng thời, việc cơ quan điều tra khởi tố đối tượng Lê Thị Nương (người tình của Kiên) về hành vi chống người thi hành công vụ và xem xét dấu hiệu đồng phạm đối với đối tượng Kiên về các tội danh nêu trên là có cơ sở.
>>> Mời độc giả xem video Đột kích, bắt giữ đối tượng hành hạ con:
Nguồn: Công an tỉnh Bắc Ninh.
Theo luật sư Cường, với 3 tội danh nêu trên, Đặng Trung Kiên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tù có thể đến hàng chục năm sau khi tổng hợp hình phạt.
Cụ thể, với tội hành hạ con đẻ theo điều 185 bộ luật hình sự là tội danh ghép bao gồm nhiều hành vi của nhiều đối tượng trong đó có hành vi của bố đẻ hành hạ, đánh đập con đẻ. Nếu hành vi hành hạ xảy ra đối với những người bị lệ thuộc nhau về công việc, về tình cảm hoặc về tổ chức thì người vi phạm sẽ bị xử lý về tội hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự.
“Hành vi hành hạ con trong trường hợp này có thể là hành vi đánh đập, chửi bới, xúc phạm, đe dọa, bỏ đói, uy hiếp tinh thần của con mình làm cho cháu bé không được phát triển bình thường về tinh thần và thể chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, ảnh hưởng đến quyền tự do thân thể, đến danh dự nhân phẩm của trẻ, xâm phạm quyền trẻ em một cách nghiêm trọng. Hành vi hành hạ con đẻ không những vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo luật hôn nhân và gia đình mà còn vi phạm luật trẻ em và cao hơn nữa là vi phạm hiến pháp về Quyền trẻ em. Đồng thời đây là hành vi đáng lên án và đáng phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo quy định của pháp luật, với tội hành hạ con đẻ, đối tượng Kiên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 2 năm đến 5 năm tù. Nếu nạn nhân có thương tích đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi tàng trữ vụ trái phép vũ khí quân dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất 7 năm tù.
Đối với tội tàng trữ trái phép ma tuý theo Điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015, tùy vào hàm lượng, trọng lượng ma túy, tùy thuộc vào nhân thân và số lần vi phạm mà đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể đến 5 năm tù nếu phạm tội ở khoản 1 và có thể lên đến 10 năm tù nếu phạm tội ở khoản 2.
Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội danh thì sau này tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt đều là tù có thời hạn thì tổng hình phạt chung sẽ không quá 30 năm tù.
Đối với hành vi của Lê Thị Lương, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi có vai trò đồng phạm đối tác với các tội danh nêu trên hay không đồng thời xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.
Vì sao trẻ em hay bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột?
Người xưa nói rằng hổ dữ không ăn thịt con. Tuy nhiên thực tế vẫn có những con hổ dữ sẵn sàng biến con mình thành những miếng mồi, do ích kỷ cá nhân, do nhận thức thấp kém hoặc do thái độ bất chấp pháp luật mà bọn chúng sẵn sàng bảo hành, xâm hại đối với những người thân yêu nhất của mình.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng bạo lực trong gia đình nói chung, bạo hành, xâm hại trẻ em nói riêng còn diễn biến phức tạp, trong đó không thể không kể đến những nguyên nhân như: Do đạo đức xã hội xuống cấp, với những đối tượng nghiện ma túy bị ảo giác thì không phân biệt được ai là người thân, ai là kẻ thù.
Những đối tượng có lối sống lệch lạc, bệnh hoạn, không phù hợp với đạo đức văn hóa truyền thống, không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì có thể thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại chính người thân của mình.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Ngoài ra, trong những gia đình không có hạnh phúc những mâu thuẫn, bực tức, thủ án khiến họ trút giận vào những đứa trẻ. Một số trường hợp đối tượng hành hạ, bạo hành trẻ em là những đối tượng côn đồ, có biểu hiện bệnh lý thần kinh và những kẻ coi thường, bất chấp pháp luật.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em mà đối tượng bảo hành, xâm hại không ai khác chính là những người thân phải ruột thịt của các em. Đây là một thực tế đang tồn tại hết sức đau lòng bởi vậy các cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá cụ thể về nguyên nhân, điều kiện của những hành vi vi phạm pháp luật này để có những giải pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả.
Không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong gia đình, những người yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em luôn là những người rất dễ bị tổn thương, dễ bị những đối tượng khác bạo hành, xâm hại nếu trong gia đình có những đối tượng nghiện ma túy, nhận thức pháp luật kém, coi thường pháp luật hoặc có lối sống lệch lạc, bệnh hoạn.
Đối với văn hóa truyền thống, đạo đức và phong tục tập quán của người Việt Nam là kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ. Những người thuộc phái yếu, yếu thế trong xã hội luôn được xã hội quan tâm, bảo vệ, nhường nhịn. Phần lớn những người công dân bình thường đều nhận thức được vấn đề này và có ý thức trong việc tôn trọng người khác, kính già, yêu trẻ, chăm sóc bố mẹ, con cái.
Tuy nhiên, vẫn còn một số những đối tượng cá biệt, như những đối tượng nghiện ma túy, những đối tượng có nhận thức hạn chế, lệch lạc, hoặc những đối tượng côn đồ, coi thường pháp luật thì sẵn sàng tấn công xâm hại bất cứ ai, kể cả nạn nhân là những người ruột thịt, thân cận nhất của chúng...
Đây là vấn đề có tính chất xã hội, cần phải có những nghiên cứu điều tra về tâm lý, xã hội học để có những giải pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả.
Với những người già, trẻ em sống trong gia đình mà có người thân là người nghiện ma túy, những đối tượng côn đồ, manh động sẵn sàng dùng cơ bắp để giải quyết các mâu thuẫn hoặc những đối tượng có lối sống, suy nghĩ lệch lạc, nhận thức kém thì chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, giám sát và những đảm bảo để những người yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em sống trong những gia đình đó được an toàn. Cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời nếu như những người yếu thế trong gia đình đó gặp nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra tại thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũng là một trong những trường hợp như trên. Vụ việc này được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ em đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và cũng sẽ là bài học răn đe cho các đối tượng coi thường tính mạng sức khỏe của trẻ em, coi thường, bất chấp pháp luật.