“Cha đẻ” vườn tượng 12 con giáp phải...đóng khố, mặc quần nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - "Pho tượng có diễn tả bộ phận sinh dục trần tục thì cũng là lẽ đương nhiên của một tác nghệ thuật thuần khiết... không mang tính dung tục", nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn biện bạch về "tác phẩm" 12 con giáp phải... đóng khố, mặc quần.

Vụ việc vườn tượng 12 con giáp mình người, đầu thú “khỏa thân” đặt ở khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) bỗng dưng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận không chỉ bởi có nhiều ý kiến từ dư luận về sự tạo hình phản cảm, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt mà chính từ tư duy quản lý của cơ quan chức năng khi chỉ đạo phải…mặc váy, khố cho những bức tượng này để che đi những phần…nhạy cảm.
Trong khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vườn tượng 12 con giáp, ủng hộ có, phê phán có, thậm chí có người còn cười cợt vui vẻ thì có một người nghệ nhân lại mang những nỗi buồn. Đó là nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn – Giám đốc công ty cổ phần mỹ thuật Tuấn Thiện (xã An Tiến, huyện An Lão, TP Hải Phòng) - “cha đẻ” 12 bức tượng tượng trưng cho 12 con giáp trên.
Dù mang tâm trạng rất buồn, nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn vẫn chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã có bài đăng trên mạng xã hội với cả ý khen và chê bởi lẽ các bạn đã dành thời gian để đi du lịch, tới thăm quan vườn tượng 12 con giáp do ông sáng tác, thi công và tặng lại khu du lịch Hòn Dấu, cảm ơn vì mọi người bắt đầu quan tâm tới nghệ thuật tạo hình.
“Cha de” vuon tuong 12 con giap phai...dong kho, mac quan noi gi?
 Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn mong muốn cộng đồng khi quan tâm đến nghệ thuật thì trước hết chúng ta phải coi vườn tượng 12 con giáp ở Đồ Sơn là những tác phẩm nghệ thuật để nhìn nhận nó với con mắt nghệ thuật.
Lý giải ý nghĩa vườn tượng cũng như việc các bức tượng có hình người, đầu thú, nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn cho biết, không biết từ bao giờ, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Á Đông chúng ta đã tin vào mỗi chúng ta đều ứng với một con giáp. Cũng đã có rất nhiều cá nhân, gia đình, công viên nhỏ đặt làm cho mình một con giáp hoặc vườn tượng. Nhưng các nghệ nhân đều tạo ra con giáp lại là chính những con vật rất cụ thể, người trần mắt thịt và tầm thường giống như con vật thấp kém mà chúng ta thường mang ra giết thịt.
“Chính vì vậy là một nhà điêu khắc, tôi đã suy nghĩ rất nhiều để sáng tác ra một bộ tượng nghệ thuật 12 con giáp để tặng khu du lịch với ý tưởng: “ Tất cả chúng ta dù là ai, con giáp gì thì đều được tạo hóa ban tặng cho một thân hình da thịt hoàn mỹ, đẹp đẽ, là một kiệt tác của thiên nhiên, còn cái riêng, cái tôi, cái khác là ở phần linh hồn, phần tướng tinh, nó ứng với mỗi con giáp của mình”.
Do vậy tôi đã tạo ra các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp đầy đủ, nguyên lành của chính con người chúng ta chỉ thay đổi cách điệu khuôn mặt mang tinh tướng đại diện cho con giáp của từng linh vật. Còn trong pho tượng có diễn tả bộ phận sinh dục trần tục thì có cũng là lẽ đương nhiên của một tác phẩm nghệ thuật thuần khiết không thể thiếu trên cơ thể tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là mang tính dung tục”, nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn cho biết.
Theo lời ông Trần Minh Tuấn, trong thế giới con người của chúng ta luôn chia ra làm 2 giới, giống đực và giống cái. Vườn tượng 12 con giáp không thể làm ra 24 pho tượng.
“Bởi vậy mà tôi chỉ tạo tác ra 6 linh vật đực và 6 linh vật cái một cách chọn lọc. Những linh vật đực là để ca ngợi những người có tính cộng đồng cao, thiên về sức mạnh, bảo vệ nòi giống, bảo vệ cộng đồng và gia đình. Những linh vật cái là đại diện cho cái đẹp dung dị, mềm mại, êm ái, sự đầm ấm và nuôi dưỡng hạnh phúc, yên lành. Tất cả các ý tứ dù là tả thực hay cách điệu trong bộ tượng là để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết về hình thể và cái đẹp cao thượng về tinh thần của loài người nói chung và người Á Đông chúng ta nói riêng.”, nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn nói.
Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn cũng cảm ơn và thông cảm với các ý kiến thắc mắc về nội dung miêu tả của các tác phẩm bởi thực sự có khả năng do mọi người chưa có dịp tiếp xúc với các thể loại nghệ thuật như thế này.
Theo nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn, trong văn hóa tín ngưỡng của người Hy Lạp, La Mã cổ đại người ta cũng đã diễn tả các tác phẩm nghệ thuật rất tả thực để mô tả các vị thần linh của mình (Đầu thú, mình người). Ở Châu Âu thời kỳ Phục Hưng có nhà điêu khắc đại tài Michelangelo đã tạo tác ra tượng thần David hoàn toàn nude, trần nhà nhà thờ. Ở Ý ông đã vẽ trên vòm trần, mô tả trên thiên đàng là đức chúa và các thánh thần trong các cơ thể hoàn toàn khỏa thân.
Khi vị Đức giáo hoàng đến thăm, thoạt tiên ông cho là nhà điêu khắc rất dung tục và phỉ báng tôn giáo nên đã đánh ông, bắt ông phải xóa, chỉnh sửa, nhà điêu khắc nhận lời.
Đến hôm sau Đức giáo hoàng đến thì thấy ông vẫn giữ nguyên toàn bộ, chỉ sửa một chi tiết duy nhất là xóa 1 khuôn mặt một vị thần và thay vào đó là khuôn mặt của vị giám mục đang tự nhìn vào bộ phận sinh dục của mình với khuôn mặt tự xấu hổ. Đến đây vị giáo hoàng đó đã tự hiểu ra mình đã sai, đã tự xấu hổ về chính bản thân mình. Sau đó, ngài tự xin từ chức, chuyển đi nơi khác, tác phẩm trên vòm trần đó sau đã trở thành kiệt tác và tồn tại đến tận ngày nay, nó đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Ở Nhật Bản có lễ hội Dương Vật và ngay trong tín ngưỡng phật giáo Ấn Độ trên, các bức tượng, phù điêu ở chùa đều diễn tả các tư thế giao cấu của các vị thần. Hay ở Việt Nam chúng ta cách đây 5 thế kỷ, các cụ cũng đã tạo ra các bức phù điêu tả rõ tư thế, bộ phận quan hệ tình dục trên các xà gồ mái đình. Và còn rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật theo trường phái chủ nghĩa phồn thực như thế này trên thế giới.
Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn mong muốn cộng đồng khi có nhã ý quan tâm đến nghệ thuật thì trước hết chúng ta phải coi vườn tượng này là những tác phẩm nghệ thuật để nhìn nhận nó với con mắt nghệ thuật.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)