Ngày 25/3, nhiều người đã đăng tải thông tin, hình ảnh công nhân Công ty Công viên cây xanh đang tiến hành đào gốc cây sao đen trên phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trương, TP Hà Nội, nghi ngờ nguyên nhân cây sao đen trăm tuổi này bị đốn hạ. Theo người dân, cây sao đen có đường kính khoảng 1m này đã bị nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cưa ngang thân.
|
Cây sao có tuổi đời hàng trăm năm ở số 65 (phố Lò Đúc, Hà Nội) đã bị chặt hạ.
|
Đáng chú ý, cây sao trăm tuổi này có vị trí nằm án ngữ mặt tiền của một ngôi nhà 7 tầng vừa hoàn thiện. Trước đó, UBND phường Phạm Đình Hổ cũng có biên bản kiểm tra hiện trường trong đó xác nhận 1 cây sao đen trước cửa nhà số 65 Lò Đúc chết khô, mục ruỗng gốc gây nguy hiểm, đề nghị cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, sau khi có đề xuất của cơ quan chức năng, công ty đã tiến hành chặt hạ cây sao đen nhằm đảm bảo an toàn cho người qua lại. Sau khi chặt hạ, vị trí trước cửa số nhà 65 Lò Đúc sẽ được trồng thay thế cây sao đen khác. Về việc có tác động của con người hủy hoại cây sao đen trăm tuổi, đơn vị này cho biết, cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.
Được biết, cây sao là thuộc họ dầu, có khoảng 104 loài. Gỗ sao là loại gỗ quý, có đường kính lớn, vân gỗ đẹp, thường được ứng dụng để sản xuất những đồ dùng nội thất sang trọng. Gỗ sao có dầu nhựa, sự co rút ít, sức chống tách cao, rất ít bị cong vênh. Hiện tại, trên phố Lò Đúc có khoảng hơn 50 cây sao đen có tuổi đời hơn 100 năm, kéo dài từ số nhà 1 đến số nhà 77 tạo bóng mát và cảnh quan rất riêng biệt cho khu phố.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ ai là người chặt cây sao đen này, đồng thời sẽ làm rõ lý do nào lại chặt cây. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy cây này đã bị chết, mục nát hư hỏng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân xung quanh nơi đây thì việc chặt hạ là cần thiết và có căn cứ. Sau khi chặt hạ cây hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người dân thì cần có phương án trồng bổ sung để đảm bảo cảnh quan môi trường.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
"Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc chặt cây là không có căn cứ, cây này không bị hư hỏng, không có nguy cơ gãy đồ thì cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào động cơ mục đích và hậu quả xảy ra mà sẽ xem xét xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại và có thể xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc. Trong quá trình làm rõ sự việc này cơ quan chức năng cũng cần làm rõ loại cây này thuộc nhóm cây gì, mức độ bảo tồn như thế nào làm cơ sở để truy trách nhiệm pháp lý trong trường hợp việc chặt hạ là không có căn cứ", luật sư Cường nói.
>>> Xem thêm video: Giải mã hiện tượng “cây biết đi” như con người