Trên đường đi làm về chiều 2/4, chị Nguyễn Thị Hân (39 tuổi, trú tại phường 9, TP Sóc Trăng, nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng) đã bị cây phượng vĩ trên đường Phạm Hùng đổ đè trúng trong trận mưa lớn đầu mùa. Dù đã được đồng nghiệp tích cực cấp cứu nhưng do chấn thương nặng, nữ điều dưỡng này đã không qua khỏi vào sáng 3/4.
Cây phượng gãy đổ đè chết nữ điều dưỡng có tuổi đời khoảng 20 năm, cành lá xum xuê nhưng đã mục gốc nên gãy đứt ngang đoạn sát mặt đất. Người dân địa phương cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, trời mưa lớn.
|
Hiện trường cây phượng đổ khiến nữ điều dưỡng thiệt mạng. (Ảnh: Tiền Phong) |
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc cây đổ làm chết người. Trước đó đã có quá nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi cây xanh bật gốc, gãy đổ như vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) bật gốc khiến một học sinh tử vong sáng 26/5/2020 hay như vụ cây xanh đổ tại đường Tô Hiến Thành, TP HCM) xảy ra sau đó một tháng khiến một người đàn ông 62 tuổi tử vong…
Một lần nữa, dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương về việc cây xanh gãy đổ làm chết người. Không thể chỉ đổ do “sự kiện bất khả kháng” để từ chối trách nhiệm như nhiều vụ việc đã xảy ra. Trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm bồi thường hay chỉ rút kinh nghiệm.
Hiến pháp đã quy định, quyền bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe con người là một trong những quyền được đặt lên hàng đầu. Khi tính mạng con người bị ảnh hưởng, phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ không chỉ đổ cho “sự kiện bất khả kháng”.
Qua nhiều vụ việc cần xanh đổ, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc quản lý, rà soát, cắt tỉa cây xanh sâu mục, có khả năng gãy đổ. Nếu việc này được tiến hành thường xuyên, liên tục, sự cố trên đã không xảy ra và nữ điều dưỡng đã không phải mất đi tính mạng như vậy.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận khi trao đổi với báo chí nói rằng, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã ký hợp đồng với Công ty công trình đô thị để kiểm tra, cắt tỉa cành những cây phượng này từ đầu năm, nhưng có lẽ chưa tới mùa mưa nên đơn vị chưa triển khai. Sắp tới thành phố sẽ đôn đốc kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên những tuyến đường có cây phượng.
Đại diện Công ty Công trình Đô thị Sóc Trăng cho biết, sau khi xảy ra sự việc trên, để tránh tình trạng cây đổ gây nguy hiểm cho người dân, đơn vị sẽ cùng Phòng Quản lý đô thị thành phố Sóc Trăng (chủ đầu tư) khẩn trương tiến hành khảo sát các cây xanh để rà soát và xử lý các nguy cơ mất an toàn.
Theo cách trả lời trên của chính quyền địa phương và đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, rà soát cây xanh tại thành phố Sóc Trăng cho thấy, việc kiểm tra, cắt tỉa cành cây xanh chưa được tiến hành một cách thường xuyên liên tục, chỉ đến khi xảy ra sự cố, khi tính mạng con người bị ảnh hưởng mới khẩn trương rà soát, xử lý theo kiểu… “mất bò mới lo làm chuồng”.
Rà soát, xử lý cây xanh mất an toàn là việc đơn vị quản lý cây xanh, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, sự chậm trễ ấy đã không lấy lại được tính mạng của nữ điều dưỡng. Không thể bù đắp được sự mất mát mà gia đình, người thân nữ điều dưỡng phải gánh chịu. Trách nhiệm ấy, đơn vị cá nhân nào phải chịu?
Về trách nhiệm trong tình huống cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người đi đường, điều 604, Bộ luật dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tại điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định, sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Thực tế, mưa lớn khiến cây gãy đổ dù là khách quan nhưng nguyên nhân dẫn đến việc nữ điều dưỡng tử vong không phải là sự kiện bất khả kháng. Bởi nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa các cành cây, buộc cây… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng vì một lý do nào đó cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại mới là sự việc bất khả kháng. Trường hợp, đơn vị quản lý cây xanh chưa làm hết trách nhiệm, chưa xử lý cắt tỉa, rà soát, xử lý cây sâu mục dẫn đến thiệt hại chết người thì đó không phải là sự việc bất khả kháng.
Thậm chí, nếu có căn cứ cho thấy, đối với người được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh thiếu trách nhiệm trong quản lý gây hậu quả chết người còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360, Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử lý như thế nào phải đợi kết luận từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của đơn vị sở hữu, quản lý cây xanh cần phải thỏa đáng, không chỉ rút kinh nghiệm, hỗ trợ mà cần phải xử lý kỷ luật ở mức độ cao hơn. Bởi mạng sống con người không phải chỉ để ai đó…rút kinh nghiệm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo cây xanh gãy đổ đầu mùa mưa tại TP. Hồ Chí Minh: