Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện một số người Việt Nam cấu kết với các ổ, nhóm tội phạm chuyên nghiệp ở nước ngoài để lừa đảo chính đồng bào mình.
|
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. |
Căn cứ vào các tài liệu, cơ quan công an xác định, Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại phường 11, Quận 5, TP HCM) là một trong những kẻ chủ mưu. Vinh đã cấu kết với những người Đài Loan (Trung Quốc) chỉ đạo một số người Việt Nam tại Campuchia thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, những người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia được tổ chức thành 3 bộ phận D1, D2, D3. Trong đó, D1 có nhiệm vụ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước, từ đó gọi điện thoại cho các nạn nhân theo danh sách có sẵn. Chúng thông báo tới “con mồi” việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo.
|
Những kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc dây. |
Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2. D2 tự xưng là lực lượng công an, có trách nhiệm thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của họ đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội... Sau đó yêu cầu nạn nhân phối hợp để… điều tra.
Nếu người nào không hợp tác sẽ bị chúng đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng. D2 tiếp tục yêu cầu bị hại khai báo tài khoản ngân hàng, và các tài sản khác như: Sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ... Nếu không cung cấp đồng nghĩa với việc tiếp tay cho tội phạm.
Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là người chủ mưu, cầm đầu đường dây).
D3 yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP, từ đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử.
Tiếp đó, D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản điện tử vừa đăng ký. Nhờ nắm được thông tin, tội phạm dễ dàng rút và chiếm đoạt số tiền này.
Toàn bộ quá trình liên hệ với nạn nhân, những kẻ lừa đảo luôn yêu cầu trò chuyện ở không gian độc lập, kín đáo. Đồng thời, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Điều đáng nói, nhóm tội phạm này hoạt động rất tinh vi, kín kẽ. Tại các cuộc họp nội bộ, chúng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, cách nói chuyện và truyền đạt thông tin tới bị hại để hoạt động phạm tội hiệu quả hơn.
Sau nhiều tháng điều tra và thu thập chứng cứ, giữa tháng 2/2024, Phòng CSHS chủ trì phối hợp với Cục CSHS (Bộ Công an), Công an các tỉnh Bình Thuận, Long An, TP HCM và các đơn vị liên quan đã phá thành công chuyên án.
Lực lượng làm nhiệm vụ đã đồng loạt khám xét nhà riêng và bắt giữ 32 nghi phạm trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đồng thời thu giữ nhiều tang vật có liên quan.
|
Tang vật của vụ án. |
Riêng ở Nghệ An, liên quan tới đường dây tội phạm này, cơ quan công an đã bắt giữ 26 người. Trong số này có 15 người trú tại huyện Yên Thành, 7 người trú tại huyện Con Cuông, 3 người trú tại huyện Diễn Châu và 1 người trú tại huyện Tân Kỳ.
Tại cơ quan điều tra, nhóm người này khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước. Số tiền lừa đảo, chiếm đoạt khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Công an tỉnh Nghệ An thông báo, những ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo trên nhanh chóng liên hệ với Phòng CSHS để được phối hợp, giải quyết.
Hiện, vụ việc đang được Công an Nghệ An củng cố hồ sơ và tiếp tục điều tra mở rộng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Danh tính 2 nữ quái và “màn kịch” lừa đảo bằng tin nhắn chuyển khoản: