Tháng 4 năm ngoái, một bài xã luận trên tạp chí Financial Times nhận định: “Thậm chí, khi các quốc gia trên thế giới dự kiến bắt đầu thoát khỏi sự phong tỏa (lockdown) do COVID-19, thì rõ ràng rằng cuộc sống cũng sẽ không thể quay lại như trước khi có khủng hoảng nếu chưa có vaccine. Các tổ chức và các cá nhân cần thích ứng với trạng thái “bình thường mới””.
“Vùng xanh”: An toàn, thích ứng với SARS-CoV-2
Hơn một năm sau bài viết của Financial Times, nhiều quốc gia đã tiêm chủng diện rộng, thậm chí như Israel đã tiêm cho hơn 50% dân số. Tuy nhiên, chưa nước nào tự tin xem dịch COVID-19 như “cúm mùa thông thường”.
Các nước buộc phải dùng các giải pháp “truy đuổi dịch”, gồm cách ly, phong tỏa, thắt chặt giãn cách xã hội. GS dịch tễ học Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội như phong tỏa sẽ trở nên cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp để bảo vệ hệ thống y tế. Trong tương lai, các giải pháp này chắc chắn vẫn sẽ còn được áp dụng.
|
Các chuyên gia đề xuất trong mọi tình huống của dịch bệnh, phải quyết tâm bảo toàn hệ thống y tế bao gồm nhân viên y tế, thuốc men và trang thiết bị chữa bệnh… Trong ảnh: Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho người dân khu vực phỏng tỏa ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Một số chuyên gia nghiên cứu GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong chống dịch như PGS-TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng đồng tình rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất. Thậm chí lúc Việt Nam đẩy lùi đại dịch thì khi mở cửa trở lại, dịch bệnh có thể sẽ quay lại.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp khoanh “vùng đỏ” (xác định các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; mô phỏng dịch tễ F0, F1; cắt nguồn lây F0 khỏi cộng đồng…) để chống đại dịch; thì việc tạo ra các “vùng xanh” - vùng an toàn - để đảm bảo đời sống và sinh kế cho người dân, doanh nghiệp sẽ là chiến lược lâu dài.