Cán bộ thanh tra Cà Mau trộm sổ đỏ đi cầm cố: Khó xử lý tội trộm cắp tài sản, vì sao?

Google News

Cán bộ thanh tra huyện Phú Tân trộm sổ đỏ của người dân tại một cửa của Văn phòng huyện không bị xử lý về tội trộm cắp tài sản nhưng có dấu hiệu phạm tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và có thể còn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông T.N.L. cán bộ Thanh tra huyện Phú Tân (Cà Mau) đang bị Công an huyện Phú Tân điều tra hành vi nghi lấy trộm hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị T.M và của ông Nguyễn Văn Đ. tại một cửa của Văn phòng UBND và HĐND huyện này đi cầm cố.
Làm việc với cơ quan Công an, ông L. khai nhận lợi dụng cán bộ phụ trách một cửa của Văn phòng UBND và HĐND huyện Phú Tân đi học, ông L. đã lấy 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, bỏ vào cốp xe cá nhân, mang đi cầm cố. Ông L. cho biết đã cầm số giấy tờ này ở một tiệm vàng để lấy 100 triệu đồng trả nợ cá nhân.
Can bo thanh tra Ca Mau trom so do di cam co: Kho xu ly toi trom cap tai san, vi sao?
 
Dư luận đặt câu hỏi, một cán bộ Thanh tra huyện lại có hành vi trộm sổ đỏ của người dân mang đi cầm cố, hành vi này vi phạm đạo đức công vụ cũng như vi phạm pháp luật, vậy cán bộ thanh tra này sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bản thân ông cũng bất ngờ trước sự việc khá hi hữu trên. Bởi không ai nghĩ rằng, một cán bộ thanh tra cấp huyện, là người hiểu biết pháp luật, có chức năng nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức mà lại là người vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Hành vi trên của cán bộ thanh tra huyện thể hiện đạo đức lối sống sa đọa nghiêm trọng phải không còn xứng đáng để trở thành một cán bộ, công chức nhà nước. Đây còn là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và có thể còn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Cường cho rằng, cán bộ thanh tra huyện có hành vi trộm cắp hai cuốn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hành vi này chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, tài sản bao gồm vật, tiền, quyền tài sản và giấy tờ có giá (Điều 105 Bộ luật dân sự 2015). Quyền sử dụng đất là tài sản. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được xác định là tài sản mà chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền tài sản.
Pháp luật Việt Nam quy định người nào lén lút để lấy tài sản thuộc sự quản lý của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Còn lén lút lấy những thứ không được xác định là tài sản hoặc là tài sản nhưng trị giá chưa đến 2.000.000 đồng sẽ không bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, cán bộ thanh tra huyện này đã làm giả văn bản ủy quyền của chủ sử dụng đất để có toàn quyền quyết định đối với thửa đất. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu con dấu giả nên người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt từ 2 năm đến 5 năm tù.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn làm giả tài liệu con dấu được thực hiện như thế nào, có người nào giúp sức cho vị cán bộ này làm giả tài liệu con dấu hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã giúp sức cho hành vi làm giả tài liệu con dấu, người giúp sức cũng sẽ bị xử lý về tội danh này với vai trò đồng phạm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền được thực hiện như thế nào. Hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo giấy tờ giả là hành vi gian dối.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh được thủ đoạn gian dối này nhằm chiếm đoạt tài sản (không có ý định trả lại số tiền đã vay), cán bộ thanh tra này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, để khởi tố về tội danh này, cơ quan điều tra cần chứng minh yếu tố gian dối trong trường hợp này là nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không chỉ là gian dối chỉ để vay tài sản. Khả năng trả nợ, phương thức trả nợ và nhận thức về khả năng trả nợ là yếu tố để xác định vị cán bộ thanh tra này có mục đích chiếm đoạt hay không, là căn cứ để xác định có khởi tố thêm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 hay không?
Trước tiên, cán cán bộ thanh tra này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 đồng thời sẽ bị xem xét tiếp đến các hành vi và những sai phạm khác có liên quan.
Ngoài việc xem xét xử lý hình sự, cán bộ thanh tra này con có trách nhiệm phải trả lại những tài sản, giấy tờ đã đánh cắp của người khác. Đồng thời, sẽ bị xem xét kỷ luật về đảng và kỷ luật về mặt chính quyền. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật như vậy thì có thể sẽ bị áp dụng chế tài ở mức cao nhất là khai trừ khỏi đảng và buộc thôi việc đối với công chức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đồng Tháp: 7 lần trộm cắp, 2 thanh niên lãnh 4 năm 9 tháng tù

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)