Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xuất phát từ va chạm nhỏ giữa xe bán tải và ô tô khách, sẽ không làm 2 người thiệt mạng nếu tài xế, người tham gia giao thông không “giữ nguyên hiện trường” ở làn đường 120km/h rồi xuống đường cãi vã.
Từ vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tài xế phải tuân thủ đúng quy tắc an toàn, lái xe với sự tập trung cao, cần bổ sung những quy định, nguyên tắc xử lý tình huống sự cố trên cao tốc.
|
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Hoài Anh |
Giữ khoảng cách an toàn, không cứng nhắc giữ nguyên hiện trường
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mạng lưới đường cao tốc của nước ta trong những năm qua phát triển rất nhanh và tiếp tục nối dài thêm trong những năm tới.
“Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông trên đường cao tốc cần phải được quan tâm một cách đầy đủ hơn nữa. Trong đó, tập trung tới 2 yếu tố có thể gây mất an toàn giao thông là lái xe và phương tiện.
Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền để từng lái xe nhận thức rõ về việc chấp hành giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc, đây là điều mấu chốt hạn chế sự cố, tai nạn”, ông Tạo nêu.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng nêu, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định về sử dụng làn đường, giao thông trên cao tốc.
Cụ thể, Điều 26 quy định tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Điều 38 cũng quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông. Theo đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường.
Theo Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ và cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150 - 250m.
Đáng lưu ý, trong lý thuyết thi sát hạch cấp giấy phép lái xe đã nêu cụ thể: "Trong trường hợp bất khả kháng, khi dừng xe trên làn dừng khẩn cấp trên cao tốc thì người lái xe phải:
Bật đèn cảnh báo sự cố, di chuyển phương tiện đến vị trí sát lề đường bên phải. Sử dụng các thiết bị cảnh báo như chóp nón, biển báo, đèn chớp,... đặt ở phía sau xe để cảnh báo các xe khác.
Gọi điện thoại khẩn cấp của đường cao tốc để được hỗ trợ nếu xe gặp sự cố, tai nạn, hoặc các trường hợp khẩn cấp không thể di chuyển bình thường”.
Ngoài những quy định đã có, TS. Khương Kim Tạo cho rằng chương trình đào tạo lái xe nên bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ nhằm đáp ứng sự phát triển của mạng lưới đường cao tốc.
“Hiện nay, trong chương trình đào tạo sát hạch lái xe có quy định học trên đường cao tốc nhưng chưa có nội dung thi trên đường cao tốc. Theo tôi, nên bổ sung nội dung này vào chương trình đào tạo”, ông Tạo đề xuất.
Cần có quy tắc ứng xử khi đi trên cao tốc
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay đã có những hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông khi phương tiện lưu thông trên đường, trong đó có đường cao tốc.
Thế nhưng một số vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc vừa qua cho thấy người tham gia giao thông chưa thực hiện đúng nguyên tắc đảm bảo an toàn giao thông.
Trong xu thế hệ thống đường cao tốc ngày càng phát triển, ông Quyền cho rằng, cần có thêm những hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc ứng xử trên cao tốc nếu gặp sự cố.
“Việc này thuộc về các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Công tác đào tạo phải bám sát diễn biến thực tế để đào tạo cho người lái xe ứng xử phù hợp”, ông Quyền nêu.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, Việt Nam cơ bản đã có các quy định về đảm bảo an toàn trên cao tốc. Tuy nhiên, với hệ thống cao tốc phát triển rất nhanh chóng trong thời gian gần đây đã phát sinh những vấn đề mới đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục rà soát, làm rõ hơn các quy định cho phù hợp thực tế.
Chẳng hạn quy định giữ nguyên hiện trường về nguyên tắc chung là đúng và thế giới cũng áp dụng như vậy. Tuy nhiên trên cao tốc thì cần phải hiểu và áp dụng như thế nào cho phù hợp, vì giữ nguyên hiện trường càng lâu trên làn xe di chuyển có tốc độ cao thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tiếp theo càng lớn.
“Việc đặt báo hiệu tam giác hoặc chóp nón cảnh báo trên cao tốc cũng là một chủ đề cần được thảo luận thêm trước khi chọn quy định cụ thể. Bởi vì việc ra khỏi xe đặt báo hiệu trong điều kiện giao thông di chuyển tốc độ cao có thể tạo rủi ro lớn nếu không có đủ các trang thiết bị, kiến thức và kỹ năng.
Ngoài các quy tắc ứng xử tại hiện trường, cũng cần phải hoàn thiện quy định trong đó chú trọng các mức tối đa về thời gian trong việc cứu hộ khi có tai nạn xảy ra.
Chẳng hạn như tài xế phải gọi điện cho ai, phải xử lý như thế nào và trong bao lâu phải di dời, ai di dời, ai chịu trách nhiệm chi trả các chi phí...
Chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa các ứng xử trên vào thành quy tắc, quy định hoặc một hướng dẫn có tính pháp lý”, ông Minh kiến nghị.
Đại diện Cục CSGT cho biết, để hạn chế tai nạn giao thông khi xe gặp phải sự cố trên cao tốc, người điều khiển, chủ xe cần trang bị các công cụ hỗ trợ để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh báo cho các phương tiện khi gặp sự cố.
Đồng thời, chủ các hãng kinh doanh vận tải cần trang bị cho tài xế, phụ xe các loại áo phản quang để mặc khi xuống sửa xe trong buổi tối, trời có sương mù.