Mới đây, anh Thái Đăng Phú, 23 tuổi, một công nhân ở Bình Dương đã gửi đơn đến Thanh tra Công an TP.HCM và cơ quan báo chí tố giác sự việc cán bộ CSGT tên M. (thuộc đội CSGT Tân Sơn Nhất, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) có hành vi cưỡng đoạt tài sản thu hút sự quan tâm của dư luận. Kèm theo đơn tố giác là các cuộc ghi âm trao đổi, làm việc với cán bộ bị tố giác và cơ quan CSGT.
Theo nội dung tố giác, vào khoảng 9h ngày 12/5, anh Phú đi xe Exciter màu đỏ nhám mới mua từ cửa hàng theo hướng về quận Tân Bình.
Đi đến đoạn gần Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) bị tổ công tác của đội CSGT Tân Sơn Nhất dừng xe kiểm tra. Do xe mới mua nên anh Phú chỉ cung cấp được giấy phép lái xe và biên nhận giao xe và bị CSGT M. (trung úy H.T.M.) thông báo lỗi phạt không biển số 6,2 triệu đồng và yêu cầu anh Phú đưa tiền sẽ trả giấy phép lái xe.
|
Khi anh Phú nói không đủ tiền, CSGT đã yêu cầu người vi phạm mở ví và rút ngay 2 triệu đồng và giữ bằng lái. Ảnh minh họa. |
Đáng chú ý, sau đó, CSGT lại hạ giá xuống còn 6 triệu và tiếp tục giảm xuống 5 triệu cho mức phạt lỗi này. Khi anh Phú nói không đủ tiền, CSGT đã yêu cầu người vi phạm mở ví và rút ngay 2 triệu đồng và giữ bằng lái. Sau đó, anh Phú liên tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0394.95... xưng là M. gọi hối thúc đưa thêm tiền.
Bức xúc trước sự việc trên, anh Phú đã gửi đơn lên Thanh tra Công an TP HCM tố giác và đề nghị hỗ trợ bắt quả tang CSGT M. nhận số tiền 3 triệu còn lại nhưng sau đó lại được giới thiệu làm việc với cán bộ của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt. CSGT M. sau đó là gặp xin lỗi và mong anh Phú bỏ qua sự việc.
Sự việc đang được các cơ quan chức năng xác minh. Dư luận đặt câu hỏi nếu những thông tin anh Phú cung cấp là đúng, cán bộ CSGT đội CSGT Tân Sơn Nhất có phạm luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, nếu thông tin của anh Thái Đăng Phú tố cáo CSGT ở trên là đúng, cần khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, thời gian qua, không ít trường hợp CSGT bị tố nhận mãi lộ, thuật ngữ pháp luật là nhận hối lộ, không ít trường hợp đã bị phát hiện, xử lý, trong đó có cả truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, lãnh đạo ngành công an cũng đã quyết liệt trong việc chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, tình trạng cảnh sát giao thông đòi mãi lộ của người vi phạm đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn còn xảy ra, vẫn có những vụ việc CSGT bị người dân tố cáo như trong trường hợp này.
Theo như nội dung tố cáo, hành vi không chỉ là đòi hỏi, ép buộc người vi phạm giao thông đưa hối lộ mà còn có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng hoàn cảnh của người vi phạm giao thông để đe dọa, uy hiếp, ép buộc họ phải đưa tiền cho người thi hành công vụ. Do vậy, vụ việc này cần chuyển đến cơ quan thanh tra Công an TP HCM hoặc cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy nội dung tố cáo của thanh niên trên là đúng sự thật, cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm minh đối với những người vi phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật, tội cưỡng đoạt tài sản không quy định mức tài sản bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh này có cấu thành hình thức, theo đó người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Luật sư Cường cho rằng, theo nội dung đơn tố cáo, người thanh niên đi xe máy có hành vi vi phạm giao thông là không có biển số xe và không mang đủ giấy tờ xe (do xe máy mới mua). Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Nếu thực hiện đúng quy định pháp luật, CSGT cần lập biên bản vi phạm tại chỗ, giao 1 biên bản vi phạm cho người vi phạm, đồng thời giữ giấy tờ hoặc phương tiện để làm thủ tục ra quyết định xử lý vi phạm.
Khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính cũng phải giao cho người vi phạm một bản quyết định, đồng thời yêu người cầu người vi phạm nộp phạt vào kho bạc nhà nước. Nghiêm cấm việc CSGT phạt trực tiếp với số tiền trên 200 ngàn đồng, nghiêm cấm hành vi nhận tiền của người vi phạm.
Hành vi nhận hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn lợi dụng tình trạng người vi phạm giao thông sợ hãi, lo lắng để đe dọa, uy hiếp họ nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, bất kể số tiền muốn chiếm đoạt là bao nhiêu.
Bởi vậy, nếu nội dung tố cáo là đúng sự thật thì có căn cứ để khởi tố chiến sĩ CSGT này về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự. Với hành vi được xác định là có tổ chức hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hình phạt sẽ có thể đối mặt từ 3 năm đến 10 năm theo quy định tại khoản 2, điều 170 bộ luật hình sự nêu trên.
Luật sư Cường cho biết thêm, hiện nay, trong lực lượng CAND nói riêng, đối với cán bộ, công chức nói chung đang thực hiện tinh giảm biên chế, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong thi hành công vụ, không ngừng nâng cao đạo đức cán bộ, duy trì lòng tin của người dân đối với lực lượng thi hành công vụ.
Do đó, những trường hợp vi phạm như nội dung tố cáo này cần phải xem xét kỹ lưỡng, nếu có vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, thậm chí áp dụng chế tài hình sự.
“Cần loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước để nhường chỗ cho những người tốt, những người có đủ phẩm chất, năng lực có cơ hội phấn đấu. Việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vòi vĩnh, nhận tiền hối lộ của người dân sẽ đảm bảo được niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, đó là một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>> Mời độc giả xem video Một cán bộ CSGT bị tố cưỡng đoạt tiền người vi phạm giao thông