Một trong số đó chính là tháp Tường Long - công trình thế kỷ có một không hai tọa lạc trên đỉnh Long Sơn (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn). Ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn núi chạy dọc bán đảo Đồ Sơn được dựng trên nền móng của tòa tháp được xây từ thế kỷ thứ 11, diện tích khoảng 2.000 m2.
Tháp Tường Long mang đậm nét kiến trúc của nhà Lý với nghệ thuật Phật giáo đương thời. Từ xa, tháp giống như một cây sáo, bên lòng trong rỗng và nhiều cửa sổ theo tầng, đây là nơi đặt tượng A di đà.
Tháp Tường Long. Ảnh Trọng Hải
Bên ngoài tháp được lát bằng gạch và đá hoa cương đỏ đặc trưng. Trên tháp trang trí những hoa văn chạm khắc chi tiết như những đóa sen, đóa cúc. Xung quanh chân tháp có nơi thờ Phật linh thiêng. Trước khi di chuyển đến chân tháp, du khách thường dâng hương các vị thần trong từng ngôi chùa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lý.
Du khách có thể đến tháp Tường Long vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đặc biệt vào những ngày đầu xuân là thời điểm tháp khoác lên mình tấm áo đặc sắc của cảnh xuân rực rỡ và những lễ hội xuân cầu may năm mới được tổ chức vô cùng náo nhiệt.
Không chỉ tháp Tường Long, Đền Bà Đế (thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn) là một trong những ngôi đền nổi tiếng và linh thiêng tại Hải Phòng. Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh quan sơn thủy hữu tình mà còn là câu chuyện về cuộc đời bi thương của người con gái hồng nhan bạc mệnh được tưởng thờ tại đây.
Đền Bà Đế là một trong những ngôi đền nổi tiếng và linh thiêng tại Hải Phòng. Ảnh Vĩnh Quân
Đền Bà Đế là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, được xây dựng tựa vào chân núi Độc, có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, trước mặt là biển, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo.
Đền Bà Đế được xây dựng tựa vào chân núi Độc. Ảnh Vĩnh Quân
Đền được tách biệt với biển bằng hệ thống tường đá xây vững chắc và kiên cố. Hằng năm, vào dịp lễ hội, du khách lại tấp nập về đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thành tâm cầu tài, cầu lộc… Đặc biệt hàng năm vào ngày 26 tháng Giêng là ngày khai xuân và cúng cơm, ngày 24, 25, 26 tháng hai là ngày lễ tạ Đức Bà. Đến đây, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của ngôi đền và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống của nơi đây.
Mỗi buổi chiều, khi mặt trời đã khuất sau rặng núi Độc, du khách đứng dưới gác chuông của đền ngắm nhìn khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống.
Chùa Hang cũng là một kiệt tác tuyệt vời mà du khách nhất định phải ghé thăm trong chuyến du lịch Hải Phòng. Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn. Ngôi chùa này là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta, mở ra một nền tôn giáo phát triển qua hàng thế kỷ.
Chùa Hang là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta. Ảnh Vĩnh Quân
Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Đến thăm chùa Hang, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc núi non tuyệt đẹp, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình tâm linh có tuổi đời hàng thế kỷ.
Đến với Đồ Sơn, du khách không thể bỏ qua một địa điểm du lịch là Đảo Hòn Dấu thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Đảo cách đất liền gần 01km với diện tích 13,79 ha. Trên đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Thần Vương. Nơi đây thờ một vị tướng nhà Trần đã hy sinh trong trận thủy chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và trôi dạt về hòn đảo này, được nhân dân quận Đồ Sơn lập đền thờ phụng từ năm 1288.
Đến với Đồ Sơn, du khách không thể bỏ qua một địa điểm du lịch là Đảo Hòn Dấu. Ảnh Vĩnh Quân
Đảo Hòn Dấu còn có rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Đặc biệt đảo có bãi đá tự nhiên nghìn năm tuổi bao quanh đảo giữa mây trời non nước, cùng ghềnh đá Bàn đang là điểm check-in thu hút du khách đến trải nghiệm và tận hưởng cảm giác thú vị của thiên nhiên hùng vĩ.
Trên đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Thần Vương. Ảnh Vĩnh Quân
Nằm trên đỉnh cao nhất của đảo chính là Hải đăng Hòn Dấu-Mắt ngọc của Tổ Quốc. Đây là công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng
Tháp Chuông tại đền Nam Hải Thần Vương. Ảnh Vĩnh Quân
Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hóa đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia. Sắp tới từ ngày 1 đến ngày mùng 10/2 âm lịch UBND quận Đồ Sơn sẽ tổ chức Lễ hội đảo Hòn Dấu.