Chiều 13/8, kết thúc phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, TAND tỉnh An Giang đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) và 24 đồng phạm.
|
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh. (Ảnh Pháp Luật TP HCM) |
Theo đó, bị cáo Hạnh bị phạt 16 năm tù về tội buôn lậu và 7 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng mức hình phạt đối với bị cáo Hạnh là 23 năm tù. Cũng với tội danh buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Phạm Tấn Lộc và Mai Thị Ngọc Phấn bị tuyên mức án lần lượt là 13 năm và 10 năm tù.
Các bị cáo là chủ tiệm vàng bị tuyên phạt tội buôn lậu, gồm: Trương Thái Nguyên, 10 năm tù; Trần Thị Thảo Trang, 10 năm tù; Nguyễn Thị Tuyết Vân, 8 năm tù; Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa, 7 năm tù. Riêng các "đàn em" của Mười Tường bị tuyên ptừ 7-12 năm tù.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh An Giang vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Hạnh và các bị cáo khác như cáo trạng đã công bố. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ điều tra được và lời khai của các bị cáo, những người liên tại phiên toà đã chứng minh bị cáo Hạnh thuê, điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển tiền USD sang Campuchia và nhận gần 51 kg vàng. Vụ án đã bị Công an tỉnh An Giang triệt phá, bắt quả tang vào trưa 30/10/2020.
Cụ thể, vào khoảng 12h40 ngày 30/10/2020, lực lượng Công an tỉnh An Giang tuần tra tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, đến khu vực phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc thì phát hiện Nguyễn Hoàng Út điều khiển vỏ tắc ráng từ hướng Campuchia đến khu vực tổ 7, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, cặp vào bờ đường Tuy Biên. Cùng lúc có Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Hải, Nguyễn Hữu Phước, Võ Văn Trung đi bộ đến vỏ tắc ráng của Mạnh lấy 3 bọc nilon bên trong có chứa gần 51kg vàng để trên 2 xe máy đang đậu sẵn trên bờ.
Lúc này, lực lượng liên ngành tiến hành bắt giữ được Hải cùng tang vật. Còn Minh, Út, Phước, Trung bỏ trốn. Cùng ngày, Nguyễn Văn Minh, Võ Minh Tâm, Phan Văn Bồ đến Công an TP.Châu Đốc đầu thú khai nhận hành vi cùng với Út vận chuyển trái phép vàng từ Campuchia về Việt Nam.
Quá trình điều tra xác định: Trần Thị Thảo Trang (tiệm vàng Thảo Kim Thành), Nguyễn Thị Tuyết Vân (tiệm vàng Vân An), Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (tiệm vàng Kim Ngọc Mai), Trương Văn Liêm (tiệm vàng Trương Liêm) và Trương Thái Nguyên (tiệm vàng Trương Hưng) và Dương Công Cường có thỏa thuận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia và mua vàng của Tuốt, Hía, Pha Na (sống tại Campuchia) chuyển về Việt Nam. Tuốt, Hía, Pha Na thuê Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) vận chuyển tiền USD, vàng giao cho Vân, Nghĩa, Cường và Nguyên để Nguyên giao lại cho Trang.
Ký hiệu trên mỗi gói tiền USD, vàng được cả nhóm quy ước là: Trương Hưng ký hiệu “Vh”, Vân An ký hiệu “9”, Trương Liêm ký hiệu “V1”, Kim Ngọc Mai ký hiệu “2” và Dương Công Cường ký hiệu “KK”. Tiền công vận chuyển mỗi 100.000 USD là 70 USD, mỗi ký vàng là 15 USD.
Để vận chuyển tiền USD, vàng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia, Hạnh thuê và phân công Mai Thị Ngọc Phấn, Phạm Tấn Lộc trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Vân, Nghĩa nhận tiền USD, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển. Lộc, Bạch Vân kiểm đếm số lượng tiền USD, vàng rồi cùng Hoàng Út, Võ Văn Trung, Nguyễn Hữu Phước, Trần Văn Hải, Trần Văn Minh vận chuyển USD sang Campuchia và nhận vàng vận chuyển về nhà của Hạnh để giao lại các tiệm vàng.
Còn Phan Văn Bồ, Nguyễn Văn Lê, Võ Minh Tâm, Nguyễn Văn Sĩ, Huỳnh Công Minh, Trần Hoàng Yên, Võ Văn Kha được phân công cảnh giới lực lượng chức năng, thông báo cho Lộc, Út biết tình hình để có kế hoạch vận chuyển tiền USD, vàng qua lại biên giới.
Khoảng 6h30 ngày 30/10/2020, Út cùng Bồ, Tâm, Minh, Sĩ, Kha, Yên, Lê điều khiển xe máy và vỏ tắc ráng chạy đến khu vực cột mốc biên giới 263/2 hoặc khu vực cầu Cồn Tiên, Chắc Ry để cảnh giới cho việc tổ chức vận chuyển tiền, vàng từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại.
Theo yêu cầu của Út và Lộc thì khi có lực lượng chức năng tuần tra thì những người này sẽ điện thoại thông báo cho biết để xử lý việc vận chuyển USD từ Việt Nam sang Campuchia và vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam. Cùng thời gian này, Lộc điện thoại kêu Võ Văn Trung lấy xuồng gỗ tại bến sông gần nhà Hạnh chở Trần Văn Hải đến bến lên cá thuộc khu vực chợ Châu Đốc chờ nhận tiền USD.
Cũng trong sáng 30/10/2020, Nghĩa điện thoại kêu Lộc đến nhà của đối tượng nhận tổng cộng 400.000USD để vận chuyển qua Campuchia giao cho Pha Na. Ngày 29/10/2020, Trần Thị Thảo Trang (chủ tiệm vàng Thảo Kim Thành) điện thoại cho Tuốt đặt mua 31kg vàng và liên hệ Trương Thái Nguyên (chủ tiệm vàng Trương Thái Nguyên) để giao tiền. Khoảng 2 giờ ngày 30/10/2020, Trang giao cho Nguyễn Hồng Cam và Trương Văn Báo (người làm công cho Trang) mỗi người 1,6 triệu USD.
Sau đó, cả 2 cùng Đoàn Minh Phước, Trần Thanh Liêm đến TP.Châu Đốc giao cho Nguyên. Sau khi nhận 3,2 triệu USD, Nguyên giao cho Trang Thái Tây Đông đem đến phủ thờ Nguyễn Mai giao cho người đàn ông (không rõ nhân thân). Riêng Bảo, Liêm, Phước ở lại TP.Châu Đốc chờ nhận vàng từ Campuchia mang về.
Đến khoảng 12h30 phút ngày 30/10/2022, Út điều khiển vỏ đến khu vực cột mốc biên giới 263/2 gặp Lộc và nhận 3 bọc nilon bên trong có chứa vàng của Hía, Tuốt giao để vận chuyển vàng về Việt Nam. Khi Út vận chuyển vàng về đến cặp sát bờ đường Tuy Biên (đối diện hầm nuôi cá của Hạnh) thì Minh, Hải, Phước, Trung đi bộ đến vỏ tắc ráng của Út mang toàn bộ số vàng lên 2 xe máy đang đậu gần đó thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Quá trình điều tra, các bị can khai nhận trước đây và ngày 30/10/2020 đã nhiều lần nhận tiền USD của Trần Thị Thảo Trang, Dương Công Cường, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa, Trương Văn Liêm vận chuyển sang Campuchia, sau đó nhận vàng vận chuyển về Việt Nam giao cho Nguyễn, Văn, Nghĩa, Cường để lấy tiền công.
Ngoài ra, trước lúc bị bắt, Tuốt điện thoại cho Trương Văn Liêm yêu cầu nhận hộ 200.000 USD của một người nam đến giao tại tiệm vàng Trương Liêm. Sau khi kiểm điểm thì Liêm cất giữ tại nhà. Khoảng 5 - 7 ngày sau, Tuốt và Liêm thuê nhóm của Hạnh để vận chuyển 200.000 USD sang Campuchia.
>>> Xem thêm video: Hotgirl buôn bán ma túy bị tuyên án tử hình