Liên quan vụ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ), ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam với 4 bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bốn bị can gồm Phạm Văn Hiệp (SN 1984, trú tại Tổ 36, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành (SN 1977, trú tại tổ 7, Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy, (SN 1970, trú tại tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình), Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT Thái Bình và Hà Văn Dũng, SN 1984, trú tại tổ 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT Thái Bình.
Dư luận đặt câu hỏi, bốn cán bộ trên liên quan thế nào đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam?
|
Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường từng làm mưa, làm gió tại các cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. |
Trước đó, ngày 15/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình) và hàng loạt trung tâm phát triển quỹ đất các huyện để làm rõ về hoạt động đấu giá đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay có liên quan đến băng nhóm Đường Nhuệ.
Ngay khi vợ chồng Đường Nhuệ cùng 4 đàn em bị khởi tố bắt giam về tội “Cố ý gây thương tích”, nhiều cơ quan báo chí phản ảnh việc trong suốt thời gian dài, dưới danh nghĩa Công ty Bất động sản Dương Đường đã làm mưa làm gió tại nhiều cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình với nhiều chiêu trò mang dáng dấp xã hội đen tại các cuộc đấu giá.
Công ty Bất động sản Đường Dương hoạt động chủ yếu dựa vào việc đấu giá đất ở các vị trí, dự án đẹp, nằm ở trung tâm thành phố, thị trấn sau đó bán lại cho người khác để kiếm lời. Tại nhiều dự án, vợ chồng Đường Dương tham gia đấu giá đều sở hữu ít nhất từ 5 đến hàng chục suất đất.
Điển hình nhất, tháng 3/2020, Công ty BĐS Đường Dương tiếp tục tham gia đấu giá dự án khu dân cư ở xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Dự án có 46 lô đất với diện tích gần 100m2/lô nhưng có tới 700 hồ sơ đăng ký nhưng Công ty BĐS Đường Dương trúng được hơn 30 lô đất. Việc này cũng được Nguyễn Xuân Đường từng đưa lên trang cá nhân để “khoe”. Riêng tại dự án khu dân cư liền kề Shop house phía sau Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa, TP Thái Bình, Công ty BĐS Đường Dương đang rao bán 128 lô đất.
Tuy nhiên, việc vợ chồng Đường Nhuệ tham gia đấu giá đất và trúng nhiều lô đất tại các dự án theo cách không giống những đơn vị, cá nhân khác khi hai vợ chồng này tham gia các cuộc đấu giá đất chỉ có Nguyễn Thị Dương với danh nghĩa Giám đốc Công ty Bất động sản Đường Dương tham gia nhưng bên ngoài luôn có hàng chục đàn em xăm trổ đe dọa các cá nhân, tổ chức đến đấu giá. Cụ thể, khống chế, đe dọa người mua hồ sơ đấu giá, cho ngồi cùng người đấu giá ép họ bỏ giá, hoặc đứng ra đàm phán để họ bỏ giá thấp…
Anh Nguyễn Văn K. ở TP Thái Bình là một trong những người kinh doanh đất và từng tham gia những cuộc đấu giá có sự xuất hiện của vợ chồng Đường Dương cho biết, hầu hết các cuộc đấu giá đất ở Thái Bình có sự góp mặt của Công ty BĐS Đường Dương. Họ có nhiều cách “gây sức ép” để người khác từ bỏ cuộc chơi.
Theo lời anh K., tại mỗi cuộc đấu giá, bà Nguyễn Thị Dương thường xuất hiện với vị trí là Giám đốc Công ty BĐS Đường Dương, phía ngoài luôn có rất nhiều đối tượng với vẻ ngoài bặm trợn xuất hiện để thị uy và gây sức ép. Cách đây khoảng 2 năm, đã có người bị tay chân của vợ chồng đại gia này cho ăn đòn ngay tại nơi bán hồ sơ đăng ký dự thầu.
Tại xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương là địa phương đã tổ chức đấu giá 38 suất đất tại khu dân cư thôn Đông Lâu vào cuối năm 2019, ông Bùi Mạnh Hằng, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho biết, vào thời điểm tổ chức đấu giá, vợ chồng Giám đốc Đường Dương đều có mặt nhưng chỉ có bà Dương vào phòng đấu giá. Ông Đường và một số người đi theo đứng bên ngoài. Khi đó, bà Dương trúng đấu giá quyền sử dụng 5 suất đất với diện tích 100m2/suất, giá trúng hơn 5,3 triệu đồng/m2. Bà Dương đã đóng tiền và làm các thủ tục liên quan nhưng sau đó bán trao tay tất cả các lô đất trên, hưởng lãi vài chục triệu đồng/suất.
Trao đổi với báo chí, một cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng cũng cho biết tại xã Đông Phương đã từng xảy ra sự việc khi công bố kết quả trúng đấu giá, có người đấu trúng bị Nguyễn Xuân Đường ép không cho về, bắt hủy kết quả. Một lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình mới đây cũng xác nhận việc Nguyễn Thị Dương từng gây rối khi tham gia đấu giá đất tại huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), sau đó cùng nhiều đối tượng lên Sở Tư pháp chửi bới.
|
Bị can Nguyễn Xuân Đường. |
Ngoài việc dùng xã hội đen tham gia đấu giá đất, dư luận cũng từng đặt câu hỏi về việc vợ chồng Đường Dương thường trúng đấu giá nhiều lô đất tại một dự án nên nghi ngờ có cán bộ biến chất, tiếp tay cho hoạt động của công ty này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, đơn cử như việc sử dụng lực lượng côn đồ, giang hồ xã hội đen để chèn ép, đe doạ các nhà thầu tại các cuộc đấu giá đất là một hiện tượng xã hội tiêu cực, bóp méo mục đích của hoạt động đấu thầu, đấu giá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để các băng nhóm tội phạm này hoạt động chắc chắn có sự bao che, có sự móc nối giữa đơn vị, cá nhân đấu giá, đấu thầu với cơ quan nhà nước.
“Các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không phải sử dụng xã hội đen, côn đồ để vây ráp các cuộc đấu giá mà trường hợp như Đường Dương bị dư luận phản ánh lại kéo dài nhiều năm ở Thái Bình. Mới đây, cơ quan CSĐT của tỉnh mới vào cuộc và bắt tạm giam những đối tượng này. Mặc dù là chậm nhưng cũng là động thái xử lý đích đáng, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ việc xử lý những hành vi của các đối tượng trên”, Đại biểu Hòa nói.
>>> Mời độc giả xem video Băng nhóm Đường Nhuệ -làm luật- cả người chết