Chiều ngày 17/11, tại Hà Nội Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế năm 2018.
Báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kết quả triển khai thực hiện cơ chế một cửa, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả đối với 4 nhóm thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế như dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Tính đến 31/10/2018, trên cổng thông tin một cửa quốc gia, tổng số hồ sơ thực hiện trực tuyến là 106.122 với tổng số doanh nghiệp tham gia là 3.342.
Theo Bộ Y tế, hiện vẫn còn 6/23 thủ tục hành chính chưa hoàn thành đúng thời hạn việc kết nối, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó, 4 thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường y tế, 2 thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung (như sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP quy định về quản lý trang thiết bị y tế) dẫn đến phải xây dựng mới, cập nhật, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia; việc khai báo và nộp hồ sơ qua cổng thông tin một cửa quốc gia còn chậm do tốc độ của hệ thống còn chậm (liên quan tới hạ tầng, đường truyền) và còn xuất hiện lỗi, nhất là khi hồ sơ gồm nhiều giấy tờ…); trình độ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp nhỏ còn chưa cao, thay đổi nhân sự thực hiện cơ chế một cửa nhiều lần; cơ chế hành chính để triển khai các hoạt động CNTT còn mất nhiều thời gian; thực hiện cơ chế một cửa là công việc phức tạp.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc. |
Bộ Y tế không kiểm tra 5 dòng hàng khi thông quan tại cửa khẩu
Tại buổi họp, Bộ Y tế còn cho hay, Bộ này không kiểm tra 5 dòng hàng khi thông quan tại cửa khẩu, gồm: thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược liệu); mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; mặt hàng phương tiện tránh thai và thiết bị y học cổ truyền. Do đây là những sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BYT ngày 25/7/2017:
|
Trang thiết bị y tế là một trong 5 dòng hàng mà Bộ Y tế không kiểm tra khi thông quan tại cửa khẩu. Ảnh minh họa. |
Bộ Y tế cho rằng, trang thiết bị y tế là mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng. Có khoảng 15.000 chủng loại, mỗi chủng loại đều có sản phẩm ở các mức độ rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng. Do vậy, không thể tổng hợp được một danh mục chi tiết toàn bộ các mặt hàng trang thiết bị y tế mà chỉ sau khi phê duyệt số lưu hành theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế cho toàn bộ mặt hàng thuộc nhóm A,B,C,D thì mới có thể xây dựng được “danh mục các TTBYT đã được cấp sổ đăng ký lưu hành”. Danh mục này sẽ liên tục được cập nhật mỗi khi có sản phẩm được phê duyệt số lưu hành.
Theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, việc phân loại trang thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro và phải được thực hiện bởi cơ sở đã công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định này. Quy định này cũng phù hợp và hài hòa với quy định tương ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vây, cơ quan nhà nước không thực hiện việc phân loại TTBYT.
Để công khai minh bạch kết quả phân loại, hiện nay Bộ Y tế cũng đã bổ sung quy định tổ chức thực hiện việc phân loại TTBYT phải công bố kết quả phân loại dựa trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2016/NĐ-CP và sau khi Nghị định có hiệu lực Bộ Y tế sẽ thường xuyên cập nhật, công khai kết quả phân loại trên cổng thông tin điện tử của Bộ này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn cho biết, đối với mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm, sở dĩ Bộ Y tế quy định không kiểm tra vì các mẫu bệnh phẩm có chứa các chất lây nhiễm, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ nội dung nhiệm vụ thực hiện trong Quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc ban hành mã hồ sơ đối với mẫu bệnh phẩm.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bỏ thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật, thực vật đối với các mặt hàng là dược liệu khi nhập về ở trạng thái đã được làm khô.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Hiện nay, rất nhiều các loại dược liệu được nhập vào Việt Nam dưới dạng hoa quả khô, trong khi đó, nhập khẩu hoa quả khô được ưu tiên trong quá trình thông quan, không kiểm soát chặt chẽ như nhập khẩu dược liệu. Vì vậy, đã xuất hiện rất nhiều dược liệu không có nguồn gốc được nhập vào Việt Nam”.
Bộ Y tế đề nghị phân định rõ cơ chế quản lý giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần ban hành danh mục dược liệu và hoa quả khô quản lý chuyên ngành theo quy định về nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng lợi dụng nhập dược liệu núp bóng hoa quả khô.