Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Cải cách tiền lương là thắng lợi của toàn ngành

Google News

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về cải cách tiền lương là phần việc gian nan, khó khăn nhất, cũng là thành công ngoạn mục nhất của ngành trong nửa đầu năm 2024.

Sáng 8/7, tại TP HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2024.
Thắng lợi của toàn ngành
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận trong bối cảnh đất nước vượt lên khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực, kinh tế - xã hội phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, ngành Nội vụ có đóng góp rất quan trọng và toàn diện.
“Với sự nỗ lực của toàn ngành, chúng ta đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đóng góp lớn vào sự ổn định và phát triển, nhất là đóng góp vào xây dựng nền hành chính của đất nước”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.
Bo truong Pham Thi Thanh Tra: Cai cach tien luong la thang loi cua toan nganh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cải cách tiền lương là thắng lợi lớn của ngành. 
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngành nội vụ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, quản lý nhà nước.
Các địa phương cũng nỗ lực tham mưu cơ chế, chính sách cho ngành nội vụ, đặc biệt là sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã, cải cách hành chính, tập trung ổn định sự phát triển của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã hết sức cố gắng sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận, một việc gian nan, khó khăn là tham mưu Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, chắc chắn, bao trùm và hiệu quả.
“Đây là thắng lợi của toàn ngành. Bởi đến phút thứ 89, dù chưa hiểu sẽ thực hiện theo cách nào nhưng cuối cùng đã có niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công, trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và nhiều đối tượng khác”, bà Trà nói.
Bên cạnh những mặt làm được, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bà mong các đại biểu mạnh dạn chỉ ra những bất cập, khó khăn, đề xuất giải pháp, nhiệm vụ, quyết tâm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Bởi khi hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024, toàn ngành Nội vụ đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Bo truong Pham Thi Thanh Tra: Cai cach tien luong la thang loi cua toan nganh-Hinh-2
Các đại biểu tham dự hội nghị. 
Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu
Tại hội nghị, các địa phương đi đầu trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã đã chia sẻ “bí quyết” của mình.
Ông Triệu Đức Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, cho hay, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh có hai ĐVHC cấp huyện, 77 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp thành một ĐVHC cấp huyện và 26 ĐVHC cấp xã.
“Nam Định là tỉnh đầu tiên trình Bộ Nội vụ thẩm định đề án, trước thời hạn đăng ký là 45 ngày”, ông Hạnh khẳng định và cho biết vào giữa tháng 3/2023, UBND tỉnh đã trình Bộ Nội vụ đề án này.
Chia sẻ cách làm của địa phương, ông Hạnh nói, ngoài thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện do Bí thư là trưởng ban chỉ đạo, tỉnh còn lấy kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Đối với tổ chức lấy ý kiến cử tri, các địa phương phải hoàn thành trong thời gian trước Tết Âm lịch năm 2024 vì thời điểm đó cử tri tham gia với số lượng đầy đủ, tập trung.
Đáng chú ý, ông Hạnh nói Nam Định cũng ban hành chính sách hỗ trợ mang tính đột phá đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp
Trong đó, xây dựng phương án điều động cán bộ, công chức đến các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện và đơn vị cấp xã còn thiếu. Đồng thời, có chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư.
Tỉnh còn giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất để không ảnh hưởng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học; sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của trạm y tế và của các trường.
Bo truong Pham Thi Thanh Tra: Cai cach tien luong la thang loi cua toan nganh-Hinh-3
Ông Triệu Đức Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, nói về cách làm trong sắp xếp ĐVHC của tỉnh.  
Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, cho hay, việc sắp xếp cán bộ, công chức được thực hiện theo phương án điều động sang các ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện. Từ đó, dần thay thế số cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu đến năm 2029 (kết thúc 5 năm lộ trình sắp xếp) tại các ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Đồng thời, tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện; điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện và thực hiện tinh giản biên chế; khuyến khích, động viên người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế.
 Nhờ đó, sự đồng thuận thể hiện ở kết quả lấy ý kiến cử tri trong việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đạt tỉ lệ đồng ý cao (bình quân từ 90%, có nhiều đơn vị đạt 100%).
53 tỉnh thành đã hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cũng thông tin, đến nay, 53 tỉnh thành đã hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Trong đó, cấp huyện sắp xếp 49 đơn vị, dự kiến giảm 12 đơn vị; cấp xã sắp xếp 1.247 đơn vị, dự kiến giảm 624 đơn vị.

Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã một số địa phương còn chậm. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đạt kết quả hạn chế nên số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó giảm 10% theo nghị quyết của trung ương và quyết định giao của Bộ Chính trị.
Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Tinh giản biên chế 3.853 người trong 6 tháng đầu năm 2024

Bộ Nội vụ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết và 1 báo cáo; trình Chính phủ ban hành 4 nghị định và 8 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định, 1 công điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 6 thông tư, 2 văn bản hợp nhất.

Đặc biệt, ngành đã tập trung nghiên cứu, rà soát, tổng hợp những vấn đề bất cập trong quá trình triển khai thực hiện 4 luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các Luật cho phù hợp với thực tiễn.

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức với tổng số 3.853 người; trong đó các bộ, ngành là 107 người và các địa phương là 3.746 người.

Cùng đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tuyển dụng 13.965 công chức, viên chức; tuyển dụng theo Nghị định số 140 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (trong đó bộ, ngành tuyển dụng 4 người, các địa phương: 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của cả nước.


Nguyễn Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)