Ngày 20/1, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã về dự Lễ hội thu hoạch hành tỏi, lần đầu tiên được tổ chức tại xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
|
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp
Bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành quả mà ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương và thị xã Kinh Môn thu được từ phát triển cây hành, tỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đất Kinh Môn bao bọc, không phụ người Kinh Môn. Người Kinh Môn cũng không phụ lòng đất mà biết giữ gìn, nuôi dưỡng, tạo ra những giá trị kinh tế ngày càng cao, mang lại cuộc sống ấm no cho nông dân.
“Sản xuất nông nghiệp không phải là cày sâu, cuốc bẫm mà cần nuôi trồng, yêu mến và làm tăng giá trị. Không gian phát triển nông nghiệp của thị xã Kinh Môn nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung còn rộng. Do đó, việc sản xuất cây hành, cây tỏi không chỉ nhìn về năng suất, sản lượng mà cần kết hợp tạo ra những giá trị về hình ảnh mảnh đất, quê hương, xứ sở”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Hải Dương cần tạo không gian để nâng tầm giá trị nông sản, trong đó có cây hành, tỏi. Trong mỗi bữa tiệc tiếp khách, trong mỗi bữa ăn của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, doanh trại quân đội, mỗi nhà hàng, gia đình... cần đưa các món ăn có liên quan đến hành tỏi. Từ đây, sẽ từng bước tạo ra thương hiệu, niềm tin cho bạn bè trong nước, quốc tế và người tiêu dùng.
“Hơn 203.000 người dân Kinh Môn, nếu gia đình nào cũng đưa hành, tỏi vào bữa ăn, vào những dịp tiếp khách, lễ, Tết thì thương hiệu sẽ ngày càng lan toả, bay cao, bay xa. Phải ăn, phải bán củ hành, củ tỏi bằng cả niềm cảm xúc, sự tự hào”, ông Hoan nêu ý kiến.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các thế hệ người dân Kinh Môn sau này sẽ tiếp tục trồng hành, tỏi. Coi hai cây trồng này là báu vật, di sản của ông cha để lại nhưng canh tác, sản xuất trên nền công nghệ hiện đại, một tư duy sản xuất mới. Kết hợp sản xuất hành tỏi để làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đích đến của nông thôn mới không phải là tạo ra thu nhập cao cho nông dân mà cần phải kích hoạt được sức sống của cộng đồng, biết gìn giữ, phát huy những thành quả lao động mà ông cha đi trước đã tạo dựng, trong đó có cây hành, cây tỏi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Cục Trồng trọt xây dựng chuẩn hoá quy trình sản xuất hành, tỏi. Các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ để tạo ra nhiều sản phẩm liên quan, nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp cho Hải Dương nói chung, thị xã Kinh Môn nói riêng.
|
Các đại biểu dự lễ hội. |
“Thủ phủ” hành, tỏi của miền Bắc
Tại Lễ hội thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn năm 2024, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, các cơ quan trung ương và sự cố gắng của chính quyền, nhân dân tỉnh Hải Dương, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: vùng hành tỏi Kinh Môn, Nam Sách; vùng cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; vùng rau su hào, cải bắp, su lơ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, các vùng sản xuất tập trung đã cung cấp một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có các vùng cây ăn quả đặc sản phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh, vùng ổi Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn; vùng na Chí Linh; vùng chuối Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn...
|
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng. |
Hải Dương hiện có hơn 6.500 ha hành, tỏi. Thị xã Kinh Môn dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng, với gần 4.000 ha. Vùng hành, tỏi Kinh Môn được ví như "thủ phủ" hành, tỏi của miền Bắc, được sản xuất tập trung quy mô lớn trên vùng đất phù sa ven sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn. Tất cả 23 xã, phường của thị xã đều trồng cây hành, tỏi. Sản lượng hằng năm đạt trên 100.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Năm 2017, sản phẩm hành Kinh Môn được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2019, tỏi Kinh Môn cũng được vinh danh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm này được bán phổ biến tại các chợ truyền thống, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Hành, tỏi Kinh Môn được trồng trên vùng đất bán sơn địa của dãy núi An Phụ, bồi đắp phù sa màu mỡ của các sông Kinh Thầy, Kinh Môn, khí hậu thích hợp và được nông dân giàu kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chăm sóc, bảo quản nên hành, tỏi được đánh giá cao về chất lượng, củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt, khó nơi nào sánh được.
|
Một số hình ảnh hội thi thu hoạch hành, tỏi. |
Với chủ đề “Hành, tỏi Kinh Môn - Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận sự đóng góp của ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương và khu vực; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm, khẳng định giá trị, nguồn gốc, xuất xứ và thương hiệu hành, tỏi tỉnh Hải Dương nói chung, Kinh Môn nói riêng.
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành sản xuất nông nghiệp.
Tại lễ hội, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua, chế biến… ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ hành, tỏi và nông sản tiêu biểu của thị xã Kinh Môn, đặc biệt là xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới.
Trong khuôn khổ lễ hội, Hội thi thu hoạch hành, tỏi diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người dân đến xem, cổ vũ. Có 3 đội thi, gồm: Thần tốc, Đồng xanh, Hương quê, mỗi đội 6 thành viên là những nông dân sản xuất hành, tỏi ở xã Hiệp Hòa. Mỗi đội thu hoạch 1 luống hành trong vòng 10 phút, gồm cả việc bó hành. Kết quả, đội Đồng xanh giành giải thu hoạch nhanh nhất, đội Thần tốc có củ hành to nhất và đội Hương quê có bó hành đẹp nhất.
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm các gian hàng trưng bày 13 sản phẩm đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam và 31 sản phẩm OCOP của thị xã Kinh Môn.
>>> Mời quý độc giả xem video: Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về việc càng dùng từ "giải cứu" nông sản càng mất giá.
Nguồn: Truyền hình Quốc hội.