Bộ trưởng Bộ Y tế: “Có tỉnh chi hàng nghìn tỷ phí khám chữa bệnh”

Google News

(Kiến Thức) - “Việc thanh toán khám chữa bệnh do BHYT chi trả. Đây là vấn đề nhiều địa phương rất bức xúc, vì chậm thanh toán, treo một khối lượng lớn, có tỉnh gần đến nghìn tỷ”.

Chiều 1/11, phát biểu giải trình trước Quốc hội về những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm, đặc biệt về quản lý bảo hiểm y tếchính sách chi trả bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việc thanh toán khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả. Đây là vấn đề nhiều địa phương rất bức xúc, vì chậm thanh toán, treo một khối lượng lớn, có tỉnh gần đến nghìn tỷ”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Vừa qua chúng ta đã đạt một tỷ lệ bảo hiểm y tế khá cao, 82%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao. Chúng ta đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế, có cả lương và chi phí vào đó, làm cho người dân giảm bớt chi phí tiền túi vì được bảo hiểm chi trả và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đưa cơ cấu tiền lương vào giá cũng giúp cho nhà nước bớt phần chi phí tiền lương để phục vụ mua thẻ bảo hiểm cho những đối tượng cần ưu tiên”.
Bo truong Bo Y te: “Co tinh chi hang nghin ty phi kham chua benh”
 Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh VGP.
“Tuy nhiên, khi giá dịch vụ tăng cũng kèm theo một số các điểm. Nguyên nhân làm cho số chi phí khám chữa bệnh của các tỉnh tăng lên chúng ta gọi là bội chi, có tỉnh có đến hàng nghìn tỷ. Nguyên nhân thứ nhất là giá dịch vụ tăng, đương nhiên điều đó đã được dự đoán trước. Việc thông tuyến từ tuyến xã lên tuyến huyện, đây là thực hiện theo luật thì quyền lợi của người dân được tốt, lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh, có thể đi thẳng tuyến huyện mà không cần phải đi qua tuyến xã.
Kỹ thuật cao được thực hiện, ngày trước ở tuyến Trung ương, còn hiện nay một số tuyến tỉnh cũng có thể làm được, ví dụ tuyến tỉnh làm nội soi, tuyến tỉnh cũng có thể làm can thiệp tĩnh mạch, thậm chí là ghép tạng và thụ tinh trong ống nghiệm. Những chi phí đó làm tăng lên và kể cả vùng tỉnh xa xôi”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng: “Ý thức bảo vệ chăm sóc sức khỏe của người dân có điều kiện kinh tế hơn và đi lại nhiều hơn. Những điều đó đã làm tăng chi phí và giải pháp của chúng tôi hiện nay. Vừa rồi cũng rất căng thẳng và chúng tôi cũng nói thực trạng quỹ hiện nay như thế nào.
Đến đầu năm 2016 quỹ kết dư của bảo hiểm xã hội theo báo cáo là 47 nghìn tỷ. Kết dư nhiều như vậy là tốt hay không tốt, nó có cái không tốt và nó có cái tốt. Không tốt là về đây là quỹ ngắn hạn, người dân đóng và họ phải được hưởng hết hàng năm, trừ khi có dự phòng. Còn khi kết dư nhiều như vậy chứng tỏ người dân chưa được tiếp cận tất cả các dịch vụ tốt, nhất là vùng sâu, vùng xa, rất thiệt thòi, kết dư rất lớn. Chưa được hưởng các dịch vụ chất lượng cao. Chưa ý thức khám chữa bệnh. Kết dư như vậy là chưa tốt, thể hiện một nền y tế không công bằng, không chăm sóc đến người dân”.
Theo Bộ trưởng Tiến: “Trong cái không tốt cũng có cái may, đến năm 2017, cuối 2016 điều chỉnh giá dịch vụ về gần đến giá trị thực, tính 3, 4/7 yếu tố mới có nguồn kết dư đó. Năm nay chúng ta sẽ phải vượt quá lên gần 10.000 tỷ thì đã nguồn kết dư đó, nguồn kết dư đó dự kiến chỉ dùng hết 3 năm nữa là hết năm 2019, nếu với giá duy trì được như thế này. Đấy là nguồn không phải chúng ta vỡ quỹ ngay, nhưng nguy cơ vỡ quỹ là như vậy”.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cần điều chỉnh Nghị định 105, gồm rất nhiều giải pháp để kiểm soát việc lạm dụng.
“Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đã thống nhất không dùng từ lạm dụng mà dùng cụm từ "sử dụng các dịch vụ quá mức và không hợp lý", vì thực chất vẫn là yêu cầu của người dân và người khám chữa bệnh. Thứ hai, trục lợi là vấn đề có điều tra, đánh giá, khảo sát, đúng là trục lợi thì mới đánh giá là trục lợi. Giải pháp của chúng tôi là Nghị định 105 sắp tới sẽ khoán trần chi phí; thứ hai là kiểm tra, thanh tra định kỳ và xử nghiêm theo Nghị định xử phạt hành chính đối với bảo hiểm.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay bảo hiểm có 1 hệ thống rất tốt, nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, tất cả các ca bệnh có thể giám định được. Và sẽ khống chế tối đa sự lạm dụng. Vừa rồi chúng tôi phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam có kiểm tra, giám sát độc lập, thì sự chi quá mức so với cần thiết ở các cơ sở khám chữa bệnh được kiểm tra là trên quá ít nhất 5%. Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội sẽ quyết tâm hợp tác để đảm bảo vẫn chi phí, quyền lợi cho người dân và không vỡ quỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, một trong những đổi mới toàn diện trong khóa này là tăng cường y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu dự phòng, gắn với đổi mới toàn diện đào tạo y khoa, hội nhập quốc tế. Đó là cái chân vững chắc nhất, lâu dài nhất.
“Bộ Y tế đã ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản, ban hành hướng dẫn các cấu trúc xây dựng và quy hoạch các trạm y tế xã với quan điểm những nơi trạm y tế xã gần bệnh viện thì không cần đầy đủ, chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu và chỉ xây dựng những trạm xá đầy đủ với tất cả các chức năng tại những vùng sâu, vùng xa, đổi mới cơ chế tài chính, quản lý nhân lực và đổi mới phương thức hoạt động, để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường.
Đây là những vấn nạn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống và khám chữa bệnh những bệnh cơ bản ở tuyến dưới thay vì phải lên tuyến trên, tránh quá tải ở tuyến trên cũng như chi phí rất lớn nếu lên tuyến trên, càng chuyển lên tuyến trên thì càng quá tải và càng chi phí rất lớn. Gắn với đầu tư xã hội hóa có kiểm soát rất chặt, đặc biệt là kết hợp công tư cũng như xã hội hóa ở các tuyến kỹ thuật cao”, Bộ trưởng Tiến phát biểu.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)