Sáng 29/11, tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì, phóng viên đã đặt câu hỏi về các nội dung liên quan đến Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua.
Theo đó, trong Luật Căn cước mới vừa được Quốc hội thông qua đã nêu rõ thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…
Việc thu thập thêm mống mắt vào dữ liệu căn cước mới sẽ được thực hiện thế nào? Người dân hiện đang có căn cước công dân thì có phải bắt buộc thu thập mống mắt khi luật mới có hiệu lực không?
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức trả lời phóng viên về thẻ căn cước. |
Trả lời về vấn đề quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước trong Luật Căn cước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là một trong những nhóm về sinh trắc học, quy định mới của dự thảo luật.
Việc thu thập mống mắt được thực hiện với thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước. Khi người dân đến làm mới, cấp đổi mới thẻ căn cước thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin mống mắt để làm giàu cho dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân đang có thẻ căn cước công dân vẫn còn hiệu lực thì thẻ này vẫn có giá trị sử dụng như thẻ căn cước mới. "Công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện tích hợp, khai báo thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ căn cước", ông Đức nói.
Ông Đức cho hay, hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Tính đến nay, bằng nỗ lực của ngành công an và cả phía người dân, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Trước đó, sáng 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024), để thay thế cho Luật Căn cước công dân. Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.
Luật Căn cước quy định cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin; trong số này có nhân dạng, sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội, công an, cơ yếu).
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.