Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GD&ĐT trong chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở GD&ĐT năm học 2024-2025 là chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chủ động và có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị và công tác tuyên truyền.
Theo đó, các sở giáo dục và đào tạo cần tổ chức cho học sinh thi thử khi có điều kiện; tăng cường tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên và cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí và tăng cường hiệu quả các khâu của kỳ thi.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi, đề thi cho thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Ảnh minh họa.
Đồng thời, các địa phương cần làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả đối tượng tham gia, chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, giám sát và phòng, chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ được tổ chức trong 2 ngày (26-27/6/2025) với 3 buổi thi. Trong đó thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
>>> Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024: